Bruno Pontecorvo (1913-1993) là một nhà vật lý nổi tiếng với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, đặc biệt là nghiên cứu về neutrino (loại hạt cơ bản, có nhiều trong vũ trụ).
Cuộc đời của Bruno Pontecorvo vẫn là một trong những bí ẩn lớn của lịch sử khoa học thế kỷ XX. Ông không chỉ nổi tiếng bởi nhiều thành tựu khoa học lớn lao, mà còn bị bao phủ bởi những bí ẩn liên quan đến Chiến tranh Lạnh (1947-1991) và cuộc đào tẩu sang Liên Xô năm 1950.
Tác giả Frank Close muốn khám phá sự phức tạp của một con người vừa là nhà khoa học tài năng, vừa có quyết định chính trị đặc biệt. Sự tẩu thoát ấy để lại dấu hỏi lớn: liệu ông có phải là gián điệp của Liên Xô hay không?
Nhà vật lý hay siêu điệp viên mở đầu bằng một cái nhìn sâu sắc về cuộc đời của Pontecorvo trước khi ông biến mất vào mùa hè năm 1950. Một nhà khoa học tài ba với sự nghiệp đang thăng tiến, Pontecorvo đã có cuộc sống hạnh phúc và thành công. Nhưng tất cả thay đổi khi ông cùng gia đình mất tích một cách bí ẩn và được xác nhận là đã đến Liên Xô sau 5 năm.
Frank Close đã thành công trong việc xây dựng bối cảnh và miêu tả cuộc đời của Pontecorvo từ những năm tháng làm việc với Enrico Fermi (nhà vật lý nổi danh thế kỷ XX) cùng nhóm của ông đến những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu về neutrino.
Cuốn sách Nhà vật lý hay siêu điệp viên tập trung khai thác khía cạnh chính trị và bí ẩn xung quanh sự biến mất của Pontecorvo. Tác giả khéo léo kết hợp những yếu tố của Chiến tranh Lạnh và các cuộc điều tra gián điệp để tạo ra một câu chuyện ly kỳ với thông tin đa chiều.
Ông khám phá tâm lý Pontecorvo có phải là một gián điệp của Liên Xô hay chỉ là một người cộng sản ngây thơ tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Dù không thể đưa ra câu trả lời chắc chắn, Frank Close đã trình bày bằng chứng một cách thuyết phục, mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc về những nghi ngờ và suy đoán xung quanh nhân vật đặc biệt này.
Bên cạnh sự mất tích bí ẩn năm 1950, tác giả còn dấy lên sự ngờ vực này từ vụ việc Klaus Fuchs (đồng nghiệp của Pontecorvo) thú nhận là điệp viên Liên Xô. Emilio Segrè là một đồng nghiệp khác cũng báo cáo xu hướng cộng sản của gia đình Pontecorvo đến cơ quan tình báo Anh (MI5). Ngay lập tức, FBI và MI5 bắt đầu chú ý đến Pontecorvo.
Sau này, một số thành viên trong gia đình Pontecorvo cung cấp các chi tiết gợi ý về yếu tố chính trị và tình báo của ông qua một cuộc phỏng vấn. Dù không có bằng chứng rõ ràng, song những dữ kiện có mối liên kết dẫn đến sự hoài nghi dai dẳng của các học giả đến ngày hôm nay.
Tác phẩm như một minh chứng cho cuộc đời của Bruno Pontecorvo không thể tách rời khỏi các sự kiện chính trị lớn của thời đại. Đơn cử, sự căng thẳng và nguy cơ của các đợt tổng lực thúc đẩy phần nào sự phát triển của công nghệ hạt nhân và các dự án nghiên cứu cần sự góp mặt của Pontecorvo. Những cuộc chạy đua vũ trang giữa Hoa Kỳ và Liên Xô vô tình tạo ra môi trường căng thẳng, khiến lòng trung thành của các nhà khoa học bị nghi ngờ.
Tác giả bày tỏ: “Tính cách của ông cũng bị chia thành hai nửa bù trừ nhau. Một đằng là Bruno Pontecorvo - nhà khoa học lỗi lạc, hướng ngoại, rất nổi bật. Còn đằng kia là một con người khác: Bruno Maximovich - nhân vật bí ẩn, khó hiểu, bí mật cam kết theo giấc mơ Xô Viết”.
Đọc Nhà vật lý hay siêu điệp viên, chúng ta sẽ thấy yếu tố nghiên cứu hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng bối cảnh khoa học và lịch sử xung quanh cuộc đời của nhân vật chính. Những đóng góp đầu tiên của ông bắt đầu tại phòng thí nghiệm của Enrico Fermi (nhà vật lý nghiên cứu hạt nhân) ở Rome. Kết quả dày công “mổ xẻ” về neutron của ông góp phần phát triển các lò phản ứng hạt nhân. Ngoài ra, công trình nghiên cứu neutrino đã mở rộng thêm lượng lớn kiến thức về các hạt cơ bản tồn tại trong vũ trụ.
Cho đến cuối đời, Pontecorvo chưa bao giờ phàn nàn về lựa chọn mà bản thân đưa ra. Ông luôn khẳng định chưa bao giờ là một gián điệp. Một năm trước khi qua đời, nói về sự bỏ trốn, ông trò chuyện với một nhà báo từ London: “Tôi muốn chết như một nhà khoa học vĩ đại, chứ không phải như tên điệp viên khốn kiếp của các ông”.
Thông qua cuộc đời của Bruno Pontecorvo, cuốn sách đặt ra những câu hỏi về lòng trung thành, đạo đức nghề nghiệp và ảnh hưởng của chính trị lên khoa học. Nhà vật lý hay siêu điệp viên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi nhận, bảo tồn các đóng góp giá trị, ngay cả khi cuộc đời các nhà khoa học bị phủ bóng bởi những bí ẩn và tranh cãi. Rõ ràng là sự phức tạp của con người không thể đơn giản hóa và lịch sử cần được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau.
Tạp chí Science (Hoa Kỳ) nhận xét: “Một tiểu sử tổng quát về Pontecorvo, một cuốn sách đồng thời về cá nhân, chính trị và khoa học… Close neo chặt câu chuyện vào những tài liệu lưu trữ, những kết nối cá nhân và các cuộc phỏng vấn”.
Frank Close là một nhà vật lý hạt nhân và lý thuyết hạt cơ bản nổi tiếng người Anh. Ngoài ra, ông còn là một tác giả khoa học với nhiều cuốn sách được xuất bản nhằm đưa những khái niệm phức tạp của vật lý đến với độc giả đại chúng. Ông từng là Giáo sư vật lý tại Đại học Oxford. Hiện tại, Frank Close vẫn tích cực viết sách và tham gia các hoạt động liên quan đến truyền thông khoa học.