Theo Bloomberg, tại cửa hàng của bưu điện Australia, hầu như không có chữ nào trong cửa hàng là tiếng Anh. Toàn bộ nhân viên ở đây đều nói tiếng Trung và bất cứ món hàng nào sau khi thanh toán đều được chuyển về Trung Quốc.
Cửa hàng này bán nhiều sản phẩm ,trong đó có sữa, thuốc vitamin, son môi, mật ong,... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hàng hóa ngoại của người Trung Quốc. Cửa hàng này thuộc bưu điện Australia, được mở ra chưa đầy một năm nhưng khá thành công.
Từ ý tưởng này, họ đang lên kế hoạch mở hai cửa hàng khác tương tự ở Sydney và hai ở Melbourne. Các cửa hàng đều nằm ở khu vực nhiều người nói tiếng Trung, phục vụ phần đông người Trung Quốc. Chúng được mở ra chủ yếu để phục vụ các hoạt động buôn bán tự phát của người dân.
Cathy Wang, 35 tuổi, đã tiêu khoảng 500 đô la một tuần cho các sản phẩm sữa bột và sữa canxi tại cửa hàng bưu điện này. Những sản phẩm ở đây đều được bán miễn thuế và mức giá rẻ hơn, bên cạnh đó khi chuyển về Trung Quốc cũng không bị đánh thuế.
Cô Wang cho hay: “Tôi đến đây mỗi ngày, đóng gói hàng hóa và gửi chúng cho bạn bè. Vì tôi ở đây một thời gian ngắn nên tôi không giỏi tiếng Anh lắm. Nếu đi đến các cửa hàng thuốc địa phương, tôi sẽ không thể hỏi thêm thông tin về sản phẩm. Tôi không hiểu người ta nói gì cả”.
Cô Wang đang học tiếng Anh tại một trường ngôn ngữ ở Sydney. Bạn bè cô ở Trung Quốc rất thích mua sữa bột từ Úc. Chính vì thế, công việc kinh doanh của cô rất thuận lợi.
Nếu không tới mua trực tiếp được, cô cũng có thể nhắn tin trên phần mềm điện thoại. Sau đó nhân viên của bưu điện sẽ đóng gói và gửi đơn hàng. Cô chỉ cần thanh toán thông qua QR code.
Theo bưu điện Australia, các cửa hàng như trên là một hướng đi mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước muốn tiếp cận tới thị trường Trung Quốc đang phát triển mạnh.
Nam Hải