Theo trang China Daily, thanh kiếm của Việt vương Câu Tiễn được tìm thấy trong một cuộc khai quật khảo cổ tại huyện Giang Lăng thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/1965, khi cổ vật này được đặt trong bao kiếm làm bằng gỗ sơn mài nằm ở bên trái một bộ hài cốt.
Sau khi rút thanh kiếm ra khỏi bao, người ta thấy rằng thanh kiếm này gần như sáng bóng và lưỡi vẫn sắc bén, dù nó nằm trong một ngôi mộ ngập nước ngầm suốt hơn 2000 năm. Thông qua nhiều cuộc kiểm tra, các nhà khoa học giám định thanh kiếm này được chế tạo vào cuối thời Xuân Thu (771 TCN – 476 TCN) trong lịch sử Trung Quốc.
Thanh kiếm có chiều dài 55,6cm, trong đó cán kiếm (phần tay cầm) dài 8,4cm; lưỡi kiếm rộng 4,6cm; nặng 0,875kg. Trên phần lưỡi có họa tiết là các hình thoi đều lặp lại trên cả hai mặt kiếm.
Ở một mặt trên thân kiếm gần phần cán có khắc hai cột chữ gồm 8 ký tự Hán cổ. Các nhà khoa học Trung Quốc sau một thời gian phân tích đã giải mã được 6 ký tự trong số đó. Đó là “Việt Vương tự tác dụng kiếm”, tức “Vua nước Việt tự chế tác kiếm để dùng”. Hai chữ còn lại có khả năng là tên của vị vua sở hữu.
Về sau, các chuyên gia đã nhất trí rằng hai chữ còn lại chỉ tên người đầu tiên sở hữu thanh kiếm này là Câu Tiễn, vị quân chủ trị vì nước Việt (nay là vùng ven biển Trung Quốc từ thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang trở về phía nam) từ năm 496 TCN – 465 TCN.
Để lý giải việc kiếm Câu Tiễn dù đã hơn 2.000 năm tuổi mà vẫn sáng bóng, các nhà khoa học đã liệt kê ba nguyên nhân chính.
“Đầu tiên, bản thân thanh kiếm được làm từ vật liệu phù hợp là hợp kim giữa đồng, sắt, niken, thiếc, chì… với hàm lượng chì trong thanh kiếm rất nhỏ. Đây là điểm khác biệt giữa thanh kiếm này với những cổ vật khác được tìm thấy trong cùng một ngôi mộ, bởi các đồ vật có thành phần là chì ở mức cao sẽ bị ăn mòn nghiêm trọng. Đồng thời, thiếc tạo ra một lớp bảo vệ bên ngoài thanh kiếm khỏi bị oxy hóa”, tờ The Paper dẫn lời nhóm chuyên gia nói.
“Tiếp theo là môi trường bên trong ngôi mộ hoàn hảo, khi đây là một ngôi mộ kín và không khí không thể lọt vào bên trong. Nguyên nhân cuối cùng là bao kiếm, khi nó cũng được coi là một lớp bảo vệ thanh kiếm khỏi bị ăn mòn”, nhóm chuyên gia nói thêm.