- Dinh thự to lớn được xây dựng từ năm 1912 của một viên quan ba người Pháp, nằm ở lưng chừng đèo Prenn, TP.Đà Lạt, trong nhiều thập niên bị đồn đại là “có ma”.
Những chuyện ly kỳ
Dinh thự cô quạnh quanh năm, tọa lạc bên triền đồi thoai thoải, ẩn mình trong rừng thông vi vút gió. Theo lời kể của nhiều người, chủ nhân dinh thự này nổi tiếng ăn chơi. Một lần ông ta mời một vũ nữ trẻ đến hầu rượu, sau đó cưỡng ép cô quan hệ tình dục. Cô gái không chịu nên đã nhảy lầu tự tử. Kể từ đó, dinh thự bắt đầu khoác lên mình một bầu không khí âm u.
Đến những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, một cô gái khác không hiểu vì lý do gì tìm đến nơi này thắt cổ tự tử… ở độ tuổi đôi mươi. Chưa hết, bẵng đi một thời gian, người ta lại phát hiện hai xác chết nằm quắt queo trên tầng lầu của dinh thự bỏ hoang, nhiều lời đồn đó là một đôi nam nữ chết vì tình!
Ngôi “biệt thự ma” trước khi được trùng tu năm 2015 Ảnh: Lâm Viên |
Từ mặt tiền dinh thự nhìn về rừng thông phía bên trái cách vài chục mét có miếu thờ cô hồn cũ kỹ, nằm gần một giếng cạn. Chúng tôi đã tìm hiểu về miếu thờ trên nhưng cơ quan chức năng cũng không biết ai xây và xây vào thời điểm nào. Trên ngọn đồi phía sau dinh thự còn có những mô đất tựa như mộ nhỏ càng làm cho không gian nơi khu rừng thông này thêm huyền hoặc.
Một cựu binh chế độ cũ kể những năm 1972 - 1973, ông đóng quân ở đèo Prenn, có đến “dinh thự ma” ngủ qua đêm. Những lần đầu đều có tiếng gõ cửa, nhưng khi mở ra thì chẳng thấy ai. “Sáng ông bảo vệ hỏi tối qua mấy chú có nghe thấy gì không. Tôi nói hồi khuya ai cứ gõ cửa liên tục. Ông nói mấy “ông bà” về giỡn với mấy chú đó, tôi đây tối nào mấy “ông bà” cũng về nắm tóc, lôi kéo chân của tôi hoài”, ông này kể lại và cho biết lúc đó ở dinh thự từng cái móc cửa sổ đều đúc bằng gang có hình đầu ông Tây đội nón, chòm râu dài đến ngực, miệng ngậm tẩu thuốc rất điệu nghệ, màu sơn vẫn còn đẹp.
Gặp ông lão giữ “nhà ma”
Một lần cách đây khoảng 5 năm, người viết cùng vài người bạn tìm đến “dinh thự ma”. Nghe tiếng chó sủa, một ông lão bước ra chào hỏi và mời vào nhà. Ông cụ tên Mạnh (70 tuổi, quê Thanh Hóa), là bộ đội xuất ngũ, làm bảo vệ dinh thự. Dẫn chúng tôi đi xem từng ngõ ngách, căn nhà trống huơ trống hoác nhưng có đến 4 bàn thờ lớn nhỏ…, ông Mạnh kể đã có nhiều người đến làm bảo vệ ở ngôi nhà này nhưng không ai trụ lâu vì buồn và sợ. Người đã trông coi ngôi biệt thự này lâu nhất được 12 năm là ông Minh, đã chết vì bệnh tim vào tháng 9.2003. Tất cả những bàn thờ trong nhà cũng như trong khuôn viên của ngôi biệt thự này đều do ông Minh lập. Sau khi ông Minh chết, người ta giới thiệu ông Mạnh về làm bảo vệ. Hỏi có thấy ma hay không, ông Mạnh chỉ cười, nói “chỉ nghe người ta kể lại là có ma chứ chưa tận mắt nhìn thấy bao giờ”.
Ông Mạnh cho biết thêm, những ngày đầu khi mới đến đây, một cảm giác cô tịch bao vây, buồn khủng khiếp… đêm đến không ngủ được vì lạnh, vì gió hú, trái thông rơi lộp độp trên mái nhà không tài nào chợp mắt được. Sau đó, quen dần và cứ tối đến vợ cùng mấy đứa con cũng đến ở cùng nên đã đỡ buồn. Nhưng ông khẳng định: “Trong dinh thự này đã có nhiều người chết là điều có thật và dường như có điều gì đó bí ẩn chưa có thể lý giải được”.
Một cán bộ thuộc Trung tâm quản lý nhà Đà Lạt cho biết dinh thự đã trải qua nhiều đời chủ, song sau khi sửa sang chỉ được một thời gian ngắn lại bỏ hoang không rõ lý do.
Từ tháng 9.2014, một công ty mua “dinh thự ma” và ngôi biệt thự hoang cách đó khoảng 400 m gần phía đầu đèo Prenn (trước là trụ sở của một công ty lâm nghiệp) để sửa sang làm điểm du lịch tâm linh. Hiện 2 ngôi biệt thự đã được chỉnh trang, lát lại gạch hoa, thay hệ thống cửa bị hư hỏng, bắt lại hệ thống điện... Trên tầng cao nhất của hai biệt thự đều đặt bàn thờ Phật. Bà Nguyễn Thị Phúc Hương, đại diện chủ đầu tư, cho biết công ty gồm những người chuyên làm từ thiện, muốn giữ lại chút tâm linh cũng như kiến trúc độc đáo của ngôi biệt thự cổ nên khi trùng tu không hề đập phá bất cứ thứ gì.
Theo Lâm Viên (Thanh Niên)