Thông báo trên của phát ngôn viên chính phủ Iran Ali Rabiei là diễn biến mới nhất liên quan siêu tàu dầu Adrian Darya 1, tên cũ là Grace 1, vốn nằm trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng đang khuấy đảo khu vực. Tàu này bị lực lượng Anh và chính quyền Gibraltar bắt giữ ngày 4/7 với cáo buộc chở dầu đến Syria vi phạm lệnh cấm của Iran và được thả hôm 15/8.

{keywords}
Tàu dầu Iran được Gibraltar trả tự do sau 6 tuần bắt giữ. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu với báo chí ở Tehran, ông Rabiei từ chối tiết lộ danh tính khách hàng đã mua dầu, cũng không nêu điều khoản của thương vụ này. Tính theo giá thị trường hiện tại, số dầu thô trên tàu Adrian Darya có giá khoảng 130 triệu USD. Tuy nhiên, bất cứ ai mua số dầu này đều có thể sẽ hứng chịu sự trừng phạt tài chính của Mỹ.

"Người mua dầu quyết định đâu là đích đến của nó", ông Rabiei nói và nhấn mạnh thêm rằng thế giới "đang chứng kiến chính sách sai trái của Mỹ khi giám sát và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác".

Việc bắt giữ và trả tự do cho Adrian Darya đã đổ thêm dầu vào chảo lửa giữa Mỹ và Iran vốn được nhen lên sau quyết định năm 2018 của Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc năm 2015. Ông chủ Nhà Trắng muốn ký một thỏa thuận mới với Tehran để giải quyết vấn đề Iran tăng cường ảnh hưởng trong khu vực và phát triển tên lửa đạn đạo. Lệnh trừng phạt đi kèm của Mỹ cũng khiến Iran mất hàng tỷ đôla trong các thương vụ được thỏa thuận cho phép.

Trong tài liệu tòa án Mỹ, các nhà chức trách chỉ ra chủ sở hữu thật sự của Adrian Darya chính là Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) chỉ tuân thủ mệnh lệnh từ lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Hồi tháng 4, Mỹ liệt IRGC vào danh sách khủng bố.

Sau khi rời Gibraltar, Adrian Darya định đến Kalamata, Hy Lạp rồi sau đó đến Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ gây sức ép yêu cầu các nước không trợ giúp tàu dầu này, trong khi Iran cảnh báo Washington không can thiệp vào hành trình của Adrian Darya 1.

Video tự tạo của bài

Thanh Hảo