Từ xa xưa, dòng sông đặc biệt này đã được người bản địa Asháninka gọi với cái tên "Shanay-timpishka" có nghĩa là "được Mặt trời đun sôi".
Tuy nhiên, theo truyền thuyết cổ được lưu truyền thì nước sôi không phải do Mặt trời "đun", mà được phun ra từ "Thần rắn" khổng lồ Yacumama hay "Mẹ nước". Tảng đá hình đầu rắn trên thượng nguồn con sông cũng được coi là tượng trưng cho thần Yacumama.
Shanay-timpishka rộng khoảng 25m và sâu 6m, nhưng chỉ kéo dài 6,4km. Nhiệt độ cao nhất của nước sông là 99,1 độ C, đủ nóng để khiến bất cứ ai cũng có thể bị bỏng cấp độ 3 dù chỉ chạm vào vài giây.
Nhiều thú hoang trong rừng không may rơi xuống đây đều bị "nấu chín" trước khi kịp bơi qua sông.
Dù sự hiện diện và những bí ẩn xung quanh dòng sông này đã được người dân bản địa Amazon nói tới từ lâu nhưng nó lại bị chính các học giả, nhà khoa học và chính quyền nghi ngờ.
Lý do là bởi hiện tượng này thường chỉ xuất hiện ở các suối nước nóng liên quan đến hoạt động núi lửa, trong khi khu vực Amazon hoàn toàn không có núi lửa. Điểm núi lửa gần nhất cách dòng sông này hơn 600km.
Phải đến năm 2011, nhà địa chất học Andrés Ruzo thuộc Đại học Southern Methodist, Mỹ, mới can đảm vào rừng để tìm kiếm dòng sông huyền bí này.
Những công bố khoa học đầu tiên về con sông được Ruzo tiết lộ năm 2016. Theo nhà địa chất này, nhiệt độ nước của Shanay-timpishka không phụ thuộc vào hoạt động núi lửa.
Thay vào đó, một giả thuyết cho rằng dòng sông này ban đầu được mưa ở thượng nguồn cấp nước, có thể là gần dãy núi Andes. Sau đó, nước chảy xuống hạ lưu và được năng lượng địa nhiệt của Trái đất làm nóng, tạo thành hệ thống thủy nhiệt lớn nhất hành tinh.
Theo Great Big Story, dòng sông kỳ bí này rất khó tiếp cận. Du khách phải bay từ Thủ đô Lima của Peru đến Pucallpa, sau đó đi một chuyến xe dài dọc theo những con đường đất dẫn đến sông Pachitea.
Tại đây, người dân bản địa sẽ chèo thuyền ngược dòng suốt nửa giờ đồng hồ nữa để đưa du khách tới Shanay-timpishka.
Hàng năm, chỉ có một số ít du khách tìm đến đây để trị liệu bằng phương pháp y học cổ xưa của người Asháninka.