Từ khi bị quân đội Đức bao vây (tháng 9/1941) cho đến khi được quân đội Liên Xô giải phóng (ngày 27/1/1943), gần 900 ngày đêm, người dân thành phố bị phong tỏa phải trải qua những thử thách vô cùng khốc liệt.
Trong thời gian này, phát xít Đức đã bắn gần 150.000 quả đạn pháo, ném hơn 100.000 quả bom cháy và 4.600 quả bom phá xuống thành phố. Người dân thành phố sống trong cảnh đói rét, tiêu chuẩn bánh mì tối thiểu cho mỗi người trong mùa đông lạnh chỉ còn 125gr.
Do thiếu năng lượng, nhiều nhà máy phải đóng cửa và tất cả các hoạt động vận chuyển công cộng đều không thực hiện được. Hệ thống cấp nước của thành phố bị bom, đạn pháo phá hủy. Nguồn nước sử dụng chủ yếu lấy từ sông Neva dưới làn đạn súng máy của quân Đức ở bên kia bờ sông quét sang. Số người chết vì đói, rét và bom đạn lên tới khoảng 800.000 người.
Người lính Liên Xô tham gia chiến dịch Leningrad 1943. Ảnh: RIA Novosti |
Cuộc tấn công và phong tỏa kéo dài của quân đội Đức Quốc xã đã không thể bóp chết được Leningrad. Hơn nửa triệu người dân được huy động xây dựng hệ thống phòng thủ quanh thành phố, gồm 190km rào chắn bằng gỗ, 630km hàng rào thép, 700km hào chống tăng, 5.000 công sự bằng gỗ và bê tông, hơn 25.000km hào, hàng nghìn hỏa điểm kiên cố bằng bê tông và ụ súng bằng gỗ đắp đất.
Nhiều ngôi nhà bằng đá được kết cấu lại thành những pháo đài nhỏ. Mặc dù thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu, nhiên liệu nhưng các nhà máy tại Leningrad vẫn sản xuất được xe tăng, đại bác, súng cối, súng máy, tiểu liên, súng trường, các loại đạn dược.
Đặc biệt, trong những ngày bị phong toả, hồ Ladoga trở thành “con đường sống” của thành phố Leningrad. Khi mặt băng trên hồ trở nên rắn chắc, hậu phương đã tổ chức vận chuyển cho Leningrad súng đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu, và khi quay về, chở theo thương binh, những người ốm, phụ nữ, người già và trẻ em.
Tuy các đoàn xe ô tô chạy với tải trọng không lớn do phải chạy trên mặt băng và phải đối mặt với những trận không kích thường xuyên của không quân Đức, nhưng “con đường sống” đã giảm bớt nhiều khó khăn cho thành phố, đồng thời đưa được 1,7 triệu trong số 3,1 triệu người dân Leningrad sơ tán về phía đông, trong đó có 414.000 trẻ em.
Đầu tháng 6/1942, thành phố nhận được những tấn dầu hỏa đầu tiên qua một đường ống dài 25 km đặt ngầm dưới đáy hồ Ladoga. Cuối tháng 7 năm 1942, nguồn điện của nhà máy thủy điện Volkhov vừa được khôi phục đã đến được với Leningrad qua một đường cáp điện cũng đặt ngầm dưới hồ.
Các tuyến đường thủy được khôi phục ngay khi mặt hồ Ladoga tan băng và vận chuyển đến thành phố những nhu yếu phẩm cần thiết, trong đó, ưu tiên số một vẫn là lương thực, thực phẩm và than đá.
Đêm 18 rạng ngày 19/1/1943, sau khi hai mũi xung kích của hai cánh Hồng quân tham gia chiến dịch Tia lửa gặp nhau tại khu vực cổ chai Shlisselburg, vòng phong tỏa Leningrad bị chọc thủng. Ngay sau đó, Chính phủ Liên Xô quyết định xây dựng một tuyến đường sắt dài 36km. Mặc dù trong khu vực mới chiếm lại được vẫn còn đầy mìn, bom đạn chưa nổ và thời tiết giá buốt, song chỉ sau 15 ngày, tuyến đường sắt này đã đi vào hoạt động.
Những khẩu pháo phòng không trong chiến dịch phòng thủ Leningrad năm 1941. Ảnh: RIA Novosti |
Ngày 11/2/1943, chuyến tàu chở bột mỳ, than đá, dầu, quặng kim loại, vũ khí đầu tiên đã đến được Leningrad. Người dân Leningrad gọi đây là “con đường chiến thắng”.
Cùng với “con đường sống”, “con đường chiến thắng” đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của thành phố. Nó góp phần đẩy lùi những ngày sống trong đói rét của người dân Leningrad dù bom đạn vẫn chưa ngưng nổ trên các đường phố, đồng thời đánh dấu sự phá sản tiếp theo đối với các kế hoạch của quân đội Đức.
Ngày nay, trên đường dốc Vaganovo dẫn đến hồ Ladoga, có một tượng đài gồm hai nửa vòm cuốn không khép kín, khoảng trống có chiều rộng bằng mặt đường ô tô, tượng trưng cho vòng phong tỏa mà người dân Leningrad đã phải chịu đựng gần 900 ngày đêm với bao hi sinh, tổn thất. Đây chính là chỗ mở đầu cho “con đường sống”, một con đường không có tiền lệ trong chiến tranh.
Nguyên Phong