Lý Tiểu Long ghét các cảnh võ thuật sử dụng khinh công và các sức mạnh siêu nhiên.
Ngày 20/7, đông đảo người hâm mộ Lý Tiểu Long (Bruce Lee) đã tập trung xung quanh tượng ông ở cảng Victoria, Hong Kong (Trung Quốc) để tưởng niệm 50 năm ngày mất của diễn viên nổi tiếng, võ sư người Mỹ gốc Hoa.
Đứng trước bức tượng đồng kích thước thật, dòng người cúi đầu chào, đặt hoa và chụp ảnh. Một số người khác thực hiện lại các động tác võ thuật nổi tiếng của Lý Tiểu Long và múa côn nhị khúc - loại vũ khí gắn liền với hình ảnh của ông, cùng tiếng hét có một không hai.
Tại khu mộ của huyền thoại võ thuật ở nghĩa trang Lake View, thuộc thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ), vài chục người đứng quanh. Họ đặt hoa, thắp hương tưởng niệm, nói chuyện và chụp ảnh cùng bà Linda Lee Cadwell, vợ của Lý Tiểu Long.
Không ai trong số họ biết chính xác lý do ngôi sao điện ảnh, võ sĩ, võ sư nổi danh toàn thế giới với các trận thực chiến kinh điển lại đột ngột mất ở tuổi 32. Điều này có thể mãi mãi là bí ẩn...
Cái chết chấn động
Trở lại cách đây 50 năm, Lý Tiểu Long đang sống tại Hong Kong (Trung Quốc) cùng gia đình, bận rộn với một số dự án mới, nổi bật nhất là bộ phim Trò chơi tử thần (Game of Death). Khi đó, ông kết hôn với Emery Lee được 9 năm. Họ có 2 người con là Brando 8 tuổi và Shannon 4 tuổi.
Ngày 20/7/1973, trong buổi gặp mặt với vài người bạn, cũng là các diễn viên trong dự án phim, Lý Tiểu Long kêu đau đầu, dùng một viên thuốc gốc aspirin và chợp mắt tạm trước bữa ăn tối. Thế nhưng, ông đã mãi mãi không tỉnh lại.
Khi xe cấp cứu đến, huyền thoại võ thuật hôn mê trong nhiều giờ và được xác nhận chết do phù não trước khi kịp đến bệnh viện Queen Elizabeth. Tang lễ của ông được tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc), sau đó an táng ở nghĩa trang Lake View.
Tin tức về cái chết của Lý Tiểu Long ở độ tuổi 32 gây chấn động cả giới giải trí và võ thuật. Hơn 25.000 người hâm mộ và bạn bè đến viếng ông lần cuối.
Cuộc đời của một huyền thoại võ thuật, người sáng lập môn phái Jeet Kune Do (Triệt quyền đạo), diễn viên mang Kung Fu đến kinh đô điện ảnh Hollywood và cả cái chết đầy ẩn số của ông ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa đại chúng cho tới tận ngày hôm nay.
Những câu hỏi bỏ ngỏ
Theo SCMP, các bác sĩ cho rằng sự tích tụ chất lỏng trong não là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Lý Tiểu Long. Tuy nhiên, họ không thể giải thích về lý do xảy ra tình trạng này. Trong suốt 50 năm qua, có nhiều giả thuyết được đặt ra song vẫn chưa đi đến kết luận chính xác.
Tháng 7/1973, khi tiếp nhận cấp cứu Lý Tiểu Long, các bác sĩ tại bệnh viện Queen Elizabeth (Hong Kong - Trung Quốc) cho rằng nam diễn viên đã chết vì chứng phù não trước khi đến. Tình trạng đe dọa đến tính mạng này thường xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với chấn thương, đột quỵ hoặc nhiễm trùng.
Vào thời điểm Lý Tiểu Long qua đời, một nhân viên điều tra kết luận chứng phù não là do phản ứng của thuốc giảm đau Equagesic (gốc aspirin). Đây chính là loại thuốc được nữ diễn viên Đinh Phối (Betty Ting Pei) đưa ông uống để giảm cơn đau đầu dữ dội vào chiều ngày 20/7/1973.
Những người khác cho rằng cần sa được tìm thấy trong hệ thống tiêu hóa của ông có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết, nhưng nhà khoa học pháp y Donald Teare, người được giao phụ trách vụ án Lý Tiểu Long, đã phủ nhận điều này.
Vào năm 2018, trong cuốn tiểu sử Bruce Lee: A Life, tác giả Matthew A. Polly đặt ra giả thuyết chứng phù não do gắng sức quá mức và say nắng, đặc biệt là khi Lý Tiểu Long đã cắt bỏ tuyến mồ hôi dưới cánh tay vào năm 1972. Hai tháng trước thời điểm mất, ông cũng sụt 15% trọng lượng cơ thể, chỉ còn nặng 54 kg.
Song một nghiên cứu năm 2022 lại suy đoán Lý Tiểu Long chết do uống quá nhiều nước. Các chuyên gia về thận ở Tây Ban Nha đã công bố trên Tạp chí Thận lâm sàng giả thuyết não của nam diễn viên bị sưng do thận “không có khả năng bài tiết nước dư thừa”, dẫn đến lượng natri trong máu thấp.
Tất cả đều dừng lại ở giả thuyết, dựa trên những dấu hiệu khác nhau trên cơ thể nam diễn viên nhưng sự thật cuối cùng đến nay vẫn chưa có lời giải.
Di sản của Lý Tiểu Long
Lý Tiểu Long qua đời ở độ tuổi rất trẻ, nhưng ảnh hưởng của ông đối với điện ảnh và võ thuật còn lưu giữ mãi đến hiện tại. Ông được xem là người tạo ra cơn sốt kung fu, chiếm lĩnh Hollywood và lan rộng khắp thế giới vào những năm 1970.
Ông phá vỡ rào cản chủng tộc đối với các diễn viên gốc Á đóng phim Mỹ. Phong cách đặc trưng của Lý Tiểu Long cũng truyền cảm hứng cho các đạo diễn ở Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc) và nhiều nền điện ảnh khác.
Không dừng lại trong lĩnh vực điện ảnh, Lý Tiểu Long được xem là một biểu tượng văn hóa, võ sĩ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Năm 1999, tạp chí TIME gọi ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.
Lý Tiểu Long sáng lập môn Jeet Kune Do (Triệt quyền đạo), kết hợp nhiều hình thức võ thuật khác nhau. Jeet Kune Do cũng được xem là tiền thân của võ thuật tổng hợp (MMA) với hệ thống giải đấu thể thao UFC danh giá.
Hình ảnh và phong cách võ thuật của Lý Tiểu Long còn đi sâu vào văn hóa đại chúng với dòng video game Street Fighter, UFC và hàng trăm trò chơi tương tự.
Con trai của Lý Tiểu Long là Lý Quốc Hào (Brandon Lee) tiếp bước ông với tư cách một võ sĩ kiêm diễn viên. Tuy nhiên, vào năm 1993, Brandon qua đời ở tuổi 28 trên trường quay bộ phim The Crow vì tai nạn súng.
Con gái Lý Tiểu Long, Lý Hương Ngưng (Shannon Lee), cũng trở thành võ sĩ, diễn viên và là Chủ tịch của Bruce Lee Foundation. Kể từ khi anh trai qua đời, bà tích cực đề xuất bắt buộc huấn luyện an toàn súng trên phim trường.
Kỷ niệm 50 năm ngày mất của cha, cũng là 30 năm kể từ sự ra đi đột ngột của người anh trai, bà Shannon chia sẻ một bước thư cảm động về 2 người thân yêu của mình trên tờ People.
“Cảm ơn cả hai đã cho con thấy thế nào là cảm giác an toàn và được yêu thương. Đó là tất cả những gì con cần trong cuộc đời này. Đó là tất cả mọi thứ", Shannon kết thúc bài viết đầy cảm xúc.
Trailer 'Long tranh hổ đấu' (Enter the Dragon)
Nguyễn Hiếu (Theo People, SCMP)