- Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam tạm dừng thanh toán 23 thuốc có hàm lượng không thông dụng, trúng thầu giá cao tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngày 7/7, Bộ Y tế có công văn gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, yêu cầu không đưa vào kế hoạch mua sắm các thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao nếu đã có các thuốc cùng hoạt chất với hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp bảo đảm cạnh tranh trên thị trường.
Các cơ sở y tế phải có kế hoạch sử dụng các thuốc khác cùng hoạt chất để đáp ứng nhu cầu điều trị của đơn vị.
Nhiều loại thuốc có hàm lượng không phổ biến được trúng thầu giá cao tại nhiều bệnh viện khiến BHYT phải chi thêm số tiền không nhỏ mỗi năm. Ảnh minh họa |
Trường hợp bắt buộc dùng những thuốc nói trên, các đơn vị phải báo cáo Bộ Y tế bằng văn bản về lý do sử dụng các thuốc kèm theo biên bản họp, thống nhất của Hội đồng thuốc và điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh có nhu cầu.
Sau khi được Bộ Y tế đồng ý, đơn vị mới được đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với trường hợp bắt buộc sử dụng 23 loại thuốc có hàm lượng không thông dụng, trúng thầu giá cao, Bộ Y tế yêu cầu BHXH chỉ thanh toán theo giá mua vào của các cơ sở khám chữa bệnh và chỉ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực của hợp đồng nhưng không vượt quá số thuốc trúng thầu đã ký hợp đồng.
Trên thực tế, tình trạng các loại thuốc có hàm lượng không thông dụng (thấp quá hoặc cao quá) được trúng thầu giá cao vào các bệnh viện đã xảy ra nhiều năm nay. 23 thuốc có hàm lượng bất bình thường, tập trung chủ yếu ở các nhóm thuốc kháng sinh và giảm đau. Thay vì có hàm lượng phổ biến là 250mg, 500mg, các thuốc này có hàm lượng 561mg, 350mg, 750mg, rồi 1,2g, 1,25g...
Do có hàm lượng không phổ biến nên giá trúng thầu vào bệnh viện của nhóm thuốc này cũng cao gấp 2-5 lần thuốc thông thường, khiến mỗi năm BHYT phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để thanh toán.
Hàng loạt nghi vấn đã được đặt ra, cho rằng đây có thể là một chiêu thức nhằm độc quyền về giá do không có thuốc tương đương để so sánh.
- Thúy Hạnh