Nỗ lực bảo đảm an sinh
Đội quân tuyên truyền lưu động, truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trên các tuyến phố. |
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, chỉ trong hai tháng đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Đặc biệt, ngày 04/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch. Chỉ thị nêu rõ các yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, giao BHXH Việt Nam thực hiện một số nội dung.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện tốt sẽ thuyết phục người lao động tham gia. Ảnh minh họa. |
Theo ông Trần Đình Liệu, phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật về BHXH, sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngày 17/3/2010, BHXH Việt Nam đã có Công văn hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra, không kể giá trị tài sản là đất.
Tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6 năm 2020, khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm; đồng thời, hàng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và BHTN để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6/2020), kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng đủ các quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh lạm dụng, trục lợi.
Đội quân tuyên truyền lưu động, truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trên các tuyến phố. |
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các doanh nghiệp nắm vững các quy định của pháp luật về việc tạm dừng đóng, nhất là quy định về điều kiện doanh nghiệp, hồ sơ, thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện các quy định trên, theo ông Trần Đình Liệu, rất cần sự phối hợp của cơ quan LĐ-TB&XH, Tài chính và nhất là vai trò của các chính quyền địa phương, qua đó bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục.
Do vậy, BHXH Việt Nam đã đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan tài chính sớm xác định giá trị tài sản bị thiệt hại và chỉ đạo cơ quan LĐ-TB&XH địa phương sớm xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc đối với các doanh nghiệp tạm dừng sản xuất kinh doanh, gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh để các doanh nghiệp có đủ hồ sơ đề nghị cơ quan BHXH tạm dừng thu BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Với BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Việt Nam yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành cùng phối hợp thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước mắt, tăng cường thông tin, truyền thông đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật để được đảm bảo tạm dừng đóng BHXH, BHYT khi thực sự cần thiết, đồng thời bảo đảm tốt quyền lợi cho người lao động khi có phát sinh.
Hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trước mắt
Trong thời gian qua, ngoài các nội dung công việc thường xuyên đang được triển khai nền nếp tại cơ quan BHXH các địa phương, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo một số nội dung công việc cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế diễn biến dịch bệnh Covid-19.
Đội quân tuyên truyền lưu động, truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trên các tuyến phố. |
Theo đó, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế về giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động được yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch Covid-19. Những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế. Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người cách ly phù hợp, với trường hợp điều trị nội trú cần có giấy ra viện; trường hợp điều trị ngoại trú cần có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, hoặc giấy ra viện có chỉ định của bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Đối với trường hợp cách ly tại cơ sở (ngoài nhà riêng), cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly cho người được áp dụng biện pháp cách ly, để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Đối với trường hợp cách ly tại nhà, BHXH Việt Nam đồng ý để trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú căn cứ danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được trưởng ban chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt, có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định.
Trước đó, BHXH Việt Nam cũng đã có công văn chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm virus. Chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện việc giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh BHYT trên cơ sở nguồn kinh phí khám, chữa bệnh BHYT của quý 01/2020 đã được BHXH Việt Nam cấp đầy đủ, đặc biệt là BHXH các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus…
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là giải quyết quyền lợi BHTN cho người lao động khi mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan LĐTB&XH giải quyết thủ tục, bảo đảm quyền lợi BHTN cho người lao động; đây là nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trước mắt.
Trường hợp nào được coi là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp?
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 61/2020/NĐ-CP liên quan đến các quy định về: Việc tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp, Chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Trách nhiệm của Sở LĐ-TBXH và BHXH.
Phạm Bằng
Ảnh: Quyết Thắng