Tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa
Từ đầu năm nay, BHXH tỉnh Cà Mau thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết 26 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH tỉnh và BHXH TP Cà Mau tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau.
Phó giám đốc BHXH huyện Đầm Dơi Huỳnh Phước Cần cho hay, từ khi chuyển bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC từ BHXH huyện sang bộ phận một cửa UBND huyện đã tiếp nhận 8.350 hồ sơ. Trong đó, khoảng 6.000 hồ sơ được tiếp nhận qua giao dịch điện tử, chỉ có khoảng 2.350 hồ sơ được tiếp nhận trực tiếp.
Trước khi chuyển qua tiếp nhận tại bộ phận một cửa huyện, BHXH huyện đã thông báo trên các phương tiện thông tin trong tỉnh để các đơn vị, người dân đến giao dịch được biết, để trong quá trình triển khai không gây khó khăn, vướng mắc cho các đối tượng tham gia bảo hiểm.
Cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC
Để cho thể phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, thời gian qua BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác cải cách TTHC.
Bộ phận một cửa |
Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên cho hay, việc ứng dụng công nghệ thông tin được ngành xác định là yếu tố then chốt, đi trước đón đầu, nhằm bảo đảm việc triển khai vận hành các hệ thống phần mềm quản lý, điều hành của ngành BHXH đi vào hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí, thủ tục cho người tham gia, đơn vị và doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Thời gian qua, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp tại Cà Mau đã được cắt giảm, đơn giản hoá đến 90% số lượng thủ tục, từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục, cắt giảm 82% chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu; 78% quy trình, thao tác thực hiện. Trong đó có 7 thủ tục giao dịch trực tuyến mức độ 4; 12 thủ tục giao dịch trực tuyến mức độ 3; 8 thủ tục giao dịch trực tuyến cấp độ 2. Giảm 60% thời gian thực hiện các TTHC, từ 335 giờ xuống còn 147 giờ.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã rà soát hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT trên địa bàn dân cư của hơn 388.000 hộ gia đình với hơn 1 triệu khẩu. Đã bàn giao 100% sổ BHXH cho người lao động quản lý theo quy định của Luật BHXH. 100% người tham gia BHYT được cấp thẻ BHYT theo mã số định danh sử dụng lâu dài. Người dân khám bệnh tại bất kỳ cơ sở nào, ở bất cứ đâu khi cung cấp mã số này, nhân viên y tế sẽ tra cứu được thông tin sức khoẻ, lịch sử khám bệnh, chữa bệnh.
Ảnh minh họa |
Mã định danh y tế có khả năng tạo liên kết các hồ sơ y tế trên các hệ thống khác nhau, khắc phục tình trạng mỗi lần tham gia phải in lại thẻ, hạn chế tình trạng trùng thẻ. 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã liên thông dữ liệu lên hệ thống thông tin giám định BHYT, nhờ đó hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
Ngành BHXH đang sở hữu những hệ thống thông tin lớn, như thực hiện giám định điện tử, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung, kết nối liên thông với dữ liệu Chính phủ, triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp đổi sổ BHXH, thẻ BHYT với các cơ quan, doanh nghiệp có giao dịch với cơ quan BHXH; đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 với tỷ lệ trả kết quả TTHC giữa cơ quan BHXH và cơ quan, doanh nghiệp đạt hơn 94%.
Trưởng phòng Giám định BHYT, BHXH tỉnh Cà Mau Dương Minh Tùng chia sẻ: "Việc thực hiện giám định điện tử về BHYT bao quát, chính xác toàn bộ dữ liệu. Không như trước đây, khi thực hiện thủ công thì mức độ chính xác chỉ đạt khoảng 30%.
Với những kết quả đạt được trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, thời gian tới, ngành BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các giao dịch trên các phần mềm điện tử; tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở dữ liệu, đơn giản hoá TTHC. Cắt giảm thời gian, tăng tỷ lệ giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4… nhằm phục vụ kịp thời, nhanh chóng, chính xác cho người dân, doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm.
TP HCM: Gần 80 nghìn hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, tính đến hết tháng 5/2020, đã có hơn 77 nghìn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, số lượt lao động được TP giải quyết việc làm là gần 120 nghìn.
Phạm Bằng
Ảnh: Hồng Nhì