Định hướng bệnh viện không giấy tờ
Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế Quảng Ninh hiện nay. Từ đó, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT (mạng LAN, đường truyền internet...); hệ thống phần mềm quản lý thông tin bệnh viện.
Hiện Quảng Ninh có 4 đơn vị y tế được công nhận thực hiện bệnh án điện tử trong khám chữa bệnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà.
Theo đó, quy trình đặt lịch khám bệnh cũng như nhận kết quả đều được “online hóa” thông qua phần mềm. Bệnh nhân có thể xem và lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử mà không phải lưu trữ nhiều loại giấy tờ như trước đây. Khi đến khám, bác sĩ chỉ cần click chuột đã nắm bắt được tiền sử bệnh, những chẩn đoán, xét nghiệm, đơn thuốc… trước đó của bệnh nhân, hỗ trợ việc khám chữa bệnh hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Bản thân người bệnh cũng dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe để chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Đến nay, ngành Y tế Quảng Ninh đã tạo lập và cập nhật dữ liệu của người dân trên địa bàn tỉnh lên Hồ sơ sức khỏe điện tử theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế với hơn 96% dân số trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, giúp người dân được cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng sức khỏe một cách kịp thời.
Ngoài bệnh án điện tử, các đơn vị y tế còn có những ứng dụng thông minh như kios tiếp nhận người bệnh; chữ ký số; chỉ định, chăm sóc, theo dõi người bệnh trên máy tính của xe tiêm thông minh; biểu đồ chỉ số tổng thể bệnh viện; hệ thống nhắn tin SMS cho bệnh nhân…
Với định hướng đẩy mạnh xây dựng bệnh viện không giấy tờ, ngành y tế Quảng Ninh tiếp tục đề xuất triển khai thí điểm phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh (PACS) cho tất cả các đơn vị khám, chữa bệnh chưa triển khai. Việc triển khai phần mềm PACS kết nối với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS) và bệnh án điện tử sẽ hỗ trợ đắc lực các bác sĩ trong công tác hội chẩn, tra cứu và làm việc từ xa. Đây cũng là việc cần thiết để giúp các bệnh viện giảm chi phí vật tư đầu vào đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Bên cạnh xây dựng bệnh viện không giấy tờ, tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trong tỉnh Quảng Ninh đồng thời triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR Code hoặc Mobile money, thẻ POS liên kết với các ngân hàng.
Người dân chỉ cần đăng nhập dịch vụ Mobile Banking của ngân hàng trên smartphone, quét mã QR được in trên từng phiếu thu cần thanh toán, tiếp đó kiểm tra, xác nhận thông tin giao dịch và thực hiện giao dịch nhanh chóng mà không cần qua quầy thu ngân của bệnh viện.
Quảng Ninh hiện có hơn 2 triệu tài khoản có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt đang hoạt động và có phát sinh giao dịch. Các hoạt động truyền thông, hỗ trợ tạo lập tài khoản ngân hàng, ví điện tử, cấp chữ ký số miễn phí… cũng đang được tiến hành để giúp người dân dần hình thành thói quen, hướng tới tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% vào năm 2025. Riêng với ngành Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số tiền giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt toàn ngành chiếm trên 60%.
Tiêu biểu như tại Bệnh viện Bãi Cháy (TP. Hạ Long) có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt gần 50%, riêng qua mã QR động khoảng 45%. Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 4250 lượt giao dịch thanh toán viện phí qua mã QR code động với tổng số tiền gần 9,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, một số bệnh viện ở Quảng Ninh đã triển khai thanh toán viện phí qua mã QR động với dịch vụ điều trị nội trú. Bệnh nhân có thể đóng tiền tạm ứng, thanh toán các dịch vụ khám chữa bệnh ngay tại khoa mà không cần di chuyển xuống khu thanh toán viện phí. Đây được đánh giá là chuyển đổi tích cực, đặc biệt với những bệnh khó khăn khi di chuyển, không có người thân hỗ trợ.
Theo đánh giá của nhiều bệnh viện, thanh toán không dùng tiền mặt hỗ trợ bệnh viện kiểm soát chặt chẽ nguồn thu viện phí, giảm tỷ lệ sai sót đồng thời góp phần giảm tình trạng quá tải cục bộ bệnh viện.
Để triển khai hiệu quả các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh đang định hướng các bệnh viện đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trang thiết bị, phần cứng, phần mềm gắn với sử dụng các nền tảng số y tế. Ngoài ra, các bệnh viện cũng chủ động kết nối thanh toán viện phí với phần mềm của các ngân hàng, các tổ chức trung gian, đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình thanh toán; tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn quy trình thanh toán không dùng tiền mặt.