Bệnh viện "đói" cơ chế ứng dụng công nghệ thông tin

Nhiều lãnh đạo bệnh viện (BV) chưa  nhận thức đầy đủ về vai trò của CNTT trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nên chưa đầu tư ngang tầm với yêu cầu phát triển. Một số ứng dụng mang tính hình thức để báo cáo thành tích.

Hiện cả nước có 1.040 bệnh viện (BV) công lập (trên 300 BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, 32 BV đa khoa, chuyên khoa tuyến Trung ương), nhưng mới chỉ có khoảng 5% số BV có phần mềm ứng dụng tin học quản lý BV tương đối tổng thể, từ hàng chục nhà cung cấp phần mềm khác nhau. Các phần mềm được viết trên nhiều ngôn ngữ và hệ quản trị CSDL khác nhau theo yêu cầu riêng của từng BV và không có chuẩn kết nối. Từ thực tế trên, số ít BV đã ứng dụng tương đối tốt CNTT không thể hỗ trợ cho phần lớn các bệnh BV khác để đạt tới mục đích ứng dụng CNTT một cách đồng bộ.

Manh mún trong triển khai ứng dụng CNTT

Tại Hội thảo quốc gia  về CNTT-TT lần thứ IV với chủ đề “CNTT và sự nghiệp giáo dục, y tế”, TS. Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Bộ Y tế, nêu rõ thực trạng việc ứng dụng CNTT trong các BV vẫn còn chậm. Đơn cử, ngày 19/8/2004, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2824 về việc áp dụng phần mềm Medisoft 4.3 trong quản lý báo cáo và thống kê hồ sơ bệnh án cho hệ thống BV trên toàn quốc. Nhưng trong suốt 2 năm triển khai, hiện nay mới có khoảng 300/1.040 BV ứng dụng phần mềm này. Tương tự, việc thực hiện ứng dụng Telemedicin hội chẩn từ xa mới có một số BV Trung ương ứng dụng thí điểm thành công như BV Nhi Trung ương với BV Hoà Bình và BV Nhi Nghệ An; giữa Bệnh viện Nhi với một số BV tại Nhật Bản, Úc... Ứng dụng thí điểm Telemedicin chỉ đạo phẫu thuật từ xa trong “Dự án BV vệ tinh” cũng mới ứng dụng kết hợp giữa BV Việt Đức với  BV Việt Tiệp và BV Sơn Tây.

Tuy nhiên, cũng đã có một số BV điển hình ứng dụng CNTT trong quản lý toàn diện BV, như: BV Gang Thép Thái nguyên; BV Răng Hàm Mặt Hà nội; BV Phụ Sản Hà nội, BV Nhi TW, BV Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí, BV Đa khoa Khánh Hòa, BV Nhi Đồng I TP. HCM...

Bộ Y tế xác định vai trò của việc ứng dụng CNTT trong quản lý BV như một giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, yêu cầu lãnh đạo các cấp phải đầu tư phát triển để hội nhập với khu vực và thế giới. Nhưng trên thực tế, phần lớn các BV ứng dụng CNTT đang mang tính thí điểm, tình hình ứng dụng CNTT trong quản lý công tác khám chữa bệnh nhìn chung còn chậm so với các quốc gia trong khu vực.

Nhiều trăn trở...

Không khí buổi hội thảo dường như “nóng” lên khi các ý kiến đều đề cập tới hành lang pháp lý, quy chế cho ứng dụng CNTT trong quản lý BV. Chưa có các quy định cụ thể về chế độ chính sách cho việc ứng dụng CNTT như tuyển dụng nhân sự, lương thưởng. Mặt khác, nhiều cán bộ lãnh đạo BV chưa  nhận thức đầy đủ về vai trò của CNTT trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh,  nên chưa đầu tư ngang tầm với yêu cầu phát triển. Một số ứng dụng mang tính hình thức để báo cáo thành tích. Đa số cán bộ trong BV còn hạn chế về trình độ CNTT, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển CNTT trong BV. Có trên 50% số BV chưa có chuyên viên tin học. Có trên 90% số máy tính và các thiết bị ngoại vi không đồng bộ được trang bị từ nhiều nguồn, nhiều thời điểm khác nhau. Việc đầu tư thường không được định hướng trước, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế gây nhiều hạn chế cho việc triển khai các ứng dụng yêu cầu cấu hình cao và đồng bộ. Các phần mềm ứng dụng còn manh mún, nhỏ lẻ và mang tính tự phát, dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở” gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Nguồn ngân sách đầu tư ban đầu cho ứng dụng CNTT gần như chưa có. Năm 2005, chi phí phần mềm cho hơn 304 BV đa khoa/chuyên khoa tuyến tỉnh và 30 BV đa khoa/chuyên khoa trực thuộc Bộ với tổng cộng 76.538 giường bệnh, các công ty phần mềm đưa ra  kinh phí thấp nhất để mua phần mềm khoảng 700 nghìn đồng/giường bệnh, tổng cộng là 53,6 tỷ đồng. Ngay cả kinh phí cho vận hành, bảo trì hệ thống phải sử dụng nguồn kinh phí chi tiêu thường xuyên, nguồn kinh phí này chỉ đảm bảo duy trì các hoạt động tối thiểu.

Các giải pháp đến năm 2010

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, tới năm 2010, sẽ có 100% các BV trong toàn quốc ứng dụng phần mềm Medisoft 4.3. 100% các BV tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 30% các BV tuyến quận, huyện có hệ thống mạng LAN; kết nối Internet cho cán bộ nhân viên BV sử dụng miễn phí. 100% các BV tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai tốt ứng dụng CNTT trong quản lý BV. 100% các BV tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 30% các BV tuyến quận, huyện có website riêng.

Để đạt được kết quả đó, phần lớn ý kiến của các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu một số BV có mô hình ứng dụng CNTT hoạt động hiệu quả, để xây dựng tiêu chí phần mềm quản lý BV. Những tiêu chí này nhằm giúp các BV có định hướng đúng đắn trong việc xây dựng phần mềm quản lý BV, và là cơ sở để thẩm định và đánh giá các phần mềm quản lý bệnh viện. Ngay lập tức tiến hành xây dựng phần mềm dùng chung quản lý BV, dựa trên tiêu chí đã xây dựng của Vụ Điều trị. Trên cơ sở hệ thống và định dạng các báo cáo thống kê của phần mềm Medisoft 4.3, sẽ phát triển thêm một số mô- đun cơ bản nữa, nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý chung nhất của tất cả các BV (quản lý khoa khám bệnh; quản lý cận lâm sàng; quản lý nội trú; quản lý viện phí và bảo hiểm y tế; quản lý kho thuốc - vật tư tiêu hao, và quản lý cấp phát thuốc cho người bệnh). Phối hợp với Cục Dược xây dựng bộ mã thuốc theo chuẩn quốc tế (ATC) để thống nhất quản lý sử dụng thuốc trên toàn quốc. Xây dựng các văn bản pháp quy về Tin học Quản lý BV, như: Xây dựng hướng dẫn lập dự án ứng dụng CNTT trong quản lý BV, xây dựng quy chế ứng dụng CNTT trong quản lý BV, xây dựng quy chế bệnh án điện tử; chữ ký điện tử... Đưa tiêu chí BV có ứng dụng CNTT vào tiêu chuẩn kiểm tra BV cuối năm, tiêu chuẩn xếp hạng BV nhằm khuyến khích, thúc đẩy các BV ứng dụng CNTT.               

Tâm Vũ