Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, mục tiêu đến cuối năm 2025, 60% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 

Mỗi ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 người đến khám. Một năm, cơ sở y tế hàng đầu về ngoại khoa ở Việt Nam này phẫu thuật từ 70.000 tới 80.000 trường hợp bệnh nhân nặng, cấp cứu. 

Bệnh viện đã triển khai nhiều hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển khoản, quét mã QR… Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ký kết với hàng loạt ngân hàng nhằm đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 

W-thanhtoan-the-vinh.png
Thanh toán chi phí khám chữa bệnh qua QR Code đem lại thuận tiện cho các bên. 

Ông Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết việc triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp người bệnh khi đi khám tại bệnh viện có nhiều kênh lựa chọn theo nhu cầu của mình, phù hợp với từng vùng miền và điều kiện tiếp cận công nghệ. Chỉ cần thao tác đơn giản, người bệnh, người nhà người bệnh đã có thể thanh toán ngay viện phí mà không cần phải xếp hàng, giảm thời gian chờ đợi, đơn giản hóa thủ tục, không cần phải đem một lượng tiền mặt lớn.

“Người bệnh mỗi lần đến bệnh viện khám bệnh, nộp tiền, thanh toán tiền rất mệt, đôi khi phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ. Mang tiền mặt theo người là sự bất tiện và không an toàn với người bệnh, vì vậy thanh toán không dùng tiền mặt sẽ thuận tiện cho người bệnh không phải chờ đợi lâu với thủ tục đơn giản. Về phía bệnh viện, đây là bước tiến lớn, góp phần minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục để phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn”, ông Hệ nói.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp người dân tiết kiệm được thời gian chờ đợi thanh toán, giảm áp lực rủi ro mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình khám, nằm điều trị. Hơn thế, người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán.

Trong khi đó, phương thức thanh toán này giúp bệnh viện cắt giảm được chi phí nhân sự hỗ trợ thanh toán như phương pháp thủ công và đảm bảo quản lý được viện phí của bệnh nhân một cách dễ dàng, nhanh chóng, chính xác, đảm bảo công khai, minh bạch.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt (nhầm lẫn, thống kê, đối soát); giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả; rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; trong tương lai giúp tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới mô hình “Bệnh viện thông minh".

Trần Chung và nhóm PV, BTV