Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Bệnh viện Việt Đức, nguồn chi phí đầu tư cho chuyển đổi số do các cơ sở y tế tự chi trả. Tuy nhiên, công nghệ thông tin chưa được tính vào các yếu tố cấu thành lên giá dịch vụ y tế.
Lời tòa soạn
Mới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện công lập triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth) trong năm 2023, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng và giảm tải cho y tế tuyến trên.
Thực hiện VTelehealth được xem là cấu phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số hoạt động khám, chữa bệnh và quản lý toàn diện sức khỏe nhân dân trên môi trường mạng.
Đến nay, thuật ngữ “khám chữa bệnh từ xa”, “chuyển đổi số” không còn xa lạ với các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn để mang lại giá trị cho thầy thuốc và bệnh nhân, đặc biệt là tuyến huyện, xã. VietNamNet đăng tải loạt bài “Khám chữa bệnh từ xa không còn xa khi chuyển đổi số”, phản ánh những hiệu quả, thách thức của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Trao đổi với VietNamNet, TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội), khẳng định: ‘Chuyển đổi số không còn là nhu cầu mà bắt buộc phải làm’.
Dù nhận thực được nhiều lợi ích của quá trình chuyển đổi số đem lại như khám chữa bệnh từ xa, hồ sơ bệnh án điện tử, đặt lịch khám, thanh toán viện phí online…, nhưng lãnh đạo các bệnh viện lớn vẫn bày tỏ nhiều băn khoăn.
Kinh phí và thói quen: Trở ngại của quá trình chuyển đổi số
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết nguồn chi phí đầu tư cho chuyển đổi số do các bệnh viện tự chi trả. Tuy nhiên, công nghệ thông tin chưa được tính vào các yếu tố cấu thành lên giá dịch vụ y tế.
“Bệnh viện không phải là doanh nghiệp, đây là bệnh viện công, 95-99% bệnh nhân đến khám có bảo hiểm. Nếu 'thừa' chút ra thì bệnh viện dành cho tái đầu tư trang thiết bị máy móc, sửa chữa, con người, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Đây không chỉ là khó khăn của riêng Bệnh viện Việt Đức mà là nói chung, đặc biệt là các viện hoạt động theo mô hình tự chủ”, bác sĩ Khánh nêu.
Ba năm nay (từ 2020-2022), mỗi năm Bệnh viện Việt Đức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng cho công nghệ thông tin. Trong số này, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp chỉ chi khoảng 3 tỷ/năm cho đầu tư công nghệ, số tiền còn lại do nguồn ngân sách nhà nước, vốn ODA và từ đề tài nghiên cứu.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Công Hựu cũng nhận định kinh phí để ứng dụng công nghệ thông tin rất lớn. Bệnh viện cần lựa chọn sử dụng các phần mềm tốt, đảm bảo đạt các yêu cầu về chức năng nghiệp vụ, và các yêu cầu về bảo mật, tốc độ xử lý, lỗi… Đưa các phần mềm vào hoạt động phải động bộ với hạ tầng, thiết bị. Hệ thống máy chủ, hạ tầng lưu trữ, hạ tầng mạng, thiết bị hạ tầng bảo mật, thiết bị sử dụng phần mềm đều cần đầu tư thêm.
“Nhu cầu là vậy nhưng các bệnh viện đều loay hoay, xoay sở để có đủ nguồn vốn chi trả và vẫn đang trong tình trạng đầu tư phân mảnh, nhỏ lẻ, không tổng thể. Một số bệnh viện có tiềm lực, có thể sử dụng quỹ phát triển để đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng phần lớn các bệnh viện sẽ chờ nguồn ngân sách. Nếu chi phí cho CNTT tại bệnh viện được đưa vào cơ cấu giá của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện, chúng tôi sẽ có cơ sở để tính được nguồn đầu tư cho CNTT”, ông Hựu cho biết.
Không chỉ khó về chi phí đầu tư, theo Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế cũng có nhiều vấn đề. Hiện nay, những người thực hiện điều hành công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh chủ yếu chỉ hiểu về công nghệ thông tin chung, không chuyên sâu về chuyển đổi số y tế, đa phần là trình độ cao đẳng và số ít có trình độ đại học. Số lượng nhân lực theo vị trí việc làm chỉ có một số nhất định nên bệnh viện phải thuê nhân công. Trong khi đó, theo ông Khánh, “cán bộ công nghệ ở bệnh viện có thu nhập thấp, không hấp dẫn để thu hút người giỏi về làm”.
Bên cạnh đó, với đặc thù công việc bận rộn, ứng dụng công nghệ thông tin ban đầu sẽ tạo ra khó khăn với cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ lớn tuổi, bệnh viện này phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Bệnh viện E cũng nếu thực tế: “Nhân viên y tế trong bệnh viện với các áp lực từ việc xử lý các công việc khám chữa bệnh hàng ngày, luôn mong những gì đã ổn định thì cứ thế làm. Có nhiều công việc trong quy trình đã sử dụng quen với hệ thống phần mềm cũ (dù có thể phải làm nhiều phần kết hợp cả giấy tờ, phần mềm) hoặc quen với việc viết tay, nên phản ứng ban đầu của nhiều người luôn là tại sao phải thay đổi?”.
Thêm vào đó, chuyển đổi số gắn liền với việc thay đổi quy trình, đưa công nghệ thông tin vào một phần trong quy trình. Do đó, đòi hỏi có sự chuẩn xác, tuần tự thực hiện. Điều này là một bước khác rất nhiều với cách làm hồ sơ giấy, quy trình viết tay.
“Với cách làm cũ, chúng ta có thể bỏ qua bước này, bước khác, gọi điện thoại trao đổi hay khi nào tiện sẽ bổ sung hồ sơ… Khi đã sử dụng CNTT, có nhiều yêu cầu liên quan đến việc cần có xác thực trên hệ thống, cần làm bước này trước, bước kia sau…”, ông Hựu cho biết.
Tiện ích của chuyển đổi số sẽ thuyết phục được người dùng
“Ban đầu, khi triển khai và áp dụng chúng tôi cũng vấp phải sự phản kháng. Một số bác sĩ phàn nàn ‘sao phải vào máy kê rắc rối làm gì? Viết giấy cho nhanh’. Tuy nhiên, sau đó những tiện ích của chuyển đổi số sẽ thuyết phục được chính người dùng”, Giám đốc Bệnh viện E thông tin.
Theo ông, các bệnh viện cần cho nhân viên thời gian để thích nghi và khi sử dụng quen, chắc chắn bác sĩ không còn muốn quay lại dùng đơn thuốc viết tay. Bởi lợi ích hiện hữu trước mắt đó là việc người bệnh không còn cảnh phải dịch chữ bác sĩ. Hơn nữa, đơn thuốc viết tay rất dễ mất, thất lạc trong khi đơn thuốc điện tử sẽ được lưu lại. Truy cập vào phần mềm, nhân viên y tế sẽ kiểm tra được lịch sử khám chữa bệnh, đơn thuốc người bệnh từng dùng…
Về báo cáo cuối năm trước đây, bệnh viện phải thống kê lại hồ sơ, giấy tờ. Nhưng hiện nay, bệnh viện có được thông tin đầy đủ, thậm chí phần mềm có biểu đồ, so sánh, phân tích...
“Thống kê, báo cáo tốt giúp hoạch định được chiến lược, kế hoạch tốt. Ví dụ năm nay thống kê mặt bệnh này nhiều, phẫu thuật dùng phương tiện, thiết bị này nhiều sang năm sẽ đặt mua nhiều hơn”, ông Hựu cho biết.
Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh chuyển đổi số là xu hướng chung xã hội đang hướng đến. Truyền thông chuyển đổi số đang được đẩy mạnh. Ứng dụng số đang xuất hiện trong tất cả các hoạt động của toàn xã hội. Ví dụ có app gọi xe, đặt nhà hàng, người nào cũng có quét QR code, internet banking…Người dân đã có thói quen sử dụng công nghệ số. Nằm trong dòng chảy đó, việc bệnh viện áp dụng chuyển đổi số sẽ gặp nhiều thuận lợi.
“Chúng tôi hy vọng với các cơ chế, quy định và hướng dẫn rõ ràng từ phía các cơ quan lãnh đạo của Bộ Y tế và các Bộ, ban, ngành liên quan, mục tiêu của bệnh viện sẽ được thực hiện thành công”, ông bày tỏ.
Quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đang diễn ra thế nào?
Lợi ích của việc khám chữa bệnh từ xa nói riêng và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nói chung đem lại cho người bệnh, bác sĩ là rất rõ ràng. Để chuyển đổi số, dữ liệu đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế, nêu thực tế dữ liệu y tế đang nằm rải rác, phân mảnh.
Kỳ 3: 'Có bệnh viện dùng 20 phần mềm nhưng dữ liệu vẫn không liên thông'