Chiều 30/12, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dự và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể lãnh đạo bệnh viện.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện cho biết, ngày 20/1/1994, Bộ Y tế ký quyết định thành lập Bệnh viện Đại học Y Dược mở ra tương lai mới với mô hình trường - viện đầu tiên tại Việt Nam.
Từ một phòng khám đa khoa có giường lưu, đến nay bệnh viện đã trở thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, là mô hình thực hành của Trường Đại học Y Dược TPHCM.
Hiện nay, mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận 2,5 triệu lượt khám ngoại trú, 109.000 lượt điều trị nội trú, 42.000 lượt phẫu thuật. Bệnh viện phát triển kỹ thuật chuyên sâu, điều trị các bệnh lý phức tạp, ghép tạng (thận, gan, tim…), trong đó có nhiều kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế.
“Bệnh viện cam kết tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nỗ lực đóng góp vào sự phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học chuyên sâu, vì sự phát triển của ngành y tế Việt Nam”, PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan biểu dương và chúc mừng những thành tựu mang dấu ấn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của bệnh viện trong suốt 30 năm qua.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu lên một số thách thức của ngành y tế hiện nay như dịch bệnh có nhiều biến đổi, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi…
Để có những bước phát triển vượt bậc, trở thành bệnh viện ngang tầm khu vực và thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp tục và phát huy nhiều thế mạnh, đặc biệt là chuyển đổi số.
Cụ thể, triển khai các kỹ thuật y học cao, chuyên sâu. Cải tiến chất lượng khám sức khỏe về mọi mặt, đi đầu về chuyên môn, trang thiết bị hiện đại. Sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chung cho ngành y tế.