Hôm nay, ngày 9/3/2015, Văn phòng Chính phủ đã chính thức thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 3/2/2015 bàn về tổ chức, hoạt động của Bệnh viện Bưu điện sau khi chuyển giao nguyên trạng từ Bộ TT&TT sang Bộ Y tế.
Tại cuộc họp nêu trên, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã báo cáo về việc tiếp quản Bệnh viện Bưu điện và dự kiến phương án tổ chức, tên gọi, hoạt động của Bệnh viện sau khi trở thành đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Giám đốc Bệnh viện Bưu điện cũng đã có báo cáo về kế hoạch hoạt động, phát triển Bệnh viện trong tương lai.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với phương án tiếp tục để Bưu điện Bưu điện là bệnh viện đa khoa, không sáp nhập với bệnh viện khác thành bệnh viên chuyên khoa.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bưu điện khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về tài chính (tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển) và bộ máy tổ chức; tự chủ hợp tác trên cơ sở bảo toàn và phát triển tài sản, vốn của nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2015.
Bệnh viện Bưu điện được thành lập vào cuối năm 1966, trên cơ sở Bệnh xá Bưu điện (Bệnh xá Bưu điện được thành lập ngày 16/6/1956, theo Quyết định 54/QĐ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Bưu điện ký). Trong gần 50 năm qua, Bệnh viện Bưu điện đã thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ công nhân viên trong ngành Bưu điện. Ngoài ra, Bệnh viện Bưu Điện còn nhận khám và chữa bệnh cho các đối tượng ngoài ngành; khám sức khoẻ định kỳ và đo, kiểm tra môi trường lao động cho các đơn vị trong ngành bưu điện từ Huế trở ra, phát hiện và điều trị các bệnh nghề nghiệp. Từ ngày thành lập đến nay, với đội ngũ thầy thuốc giàu kinh nghiệm, có trách nhiệm cao trong công việc, Bệnh viện Bưu điện đã có nhiều cống hiến cho y học nước nhà.
Theo quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2014 - 2015”, cùng các trường trung học bưu chính, viễn thông và CNTT tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên, Bệnh viện Bưu điện và một số bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển về các địa phương quản lý. Cũng tại quyết định này, Bộ TT&TT chịu trách nhiệm làm việc thống nhất với các địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; trong khi chưa chuyển về địa phương, các bệnh viện, trường học này tiếp tục duy trì hoạt động trong cơ cấu tổ chức của VNPT.
Tiếp đó, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2015 của ngành TT&TT diễn ra ngày 2/2/2015, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã cho biết, sau khi Bộ Y tế có văn bản xin tiếp nhận Bệnh viện Bưu điện về Bộ này, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn giao Bộ TT&TT và Bộ Y tế làm việc cụ thể, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc chuyển giao Bệnh viện Bưu điện từ Tập đoàn VNPT sang Bộ Y tế.