Bệnh nhân không còn cảnh chờ đợi
Ngày 6/11, Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này, Bệnh viện Bạch Mai đã trúng nhiều gói thầu và mua sắm khoảng gần 4.000 tỷ đồng bao gồm trang thiết bị, vật tư (hơn 1.700 tỷ đồng), thuốc (hơn 2.000 tỷ đồng) phục vụ cho công tác điều trị.
Gần đây nhất, Bệnh viện Bạch Mai trúng thầu 4 máy cộng hưởng từ, 2 máy CT, 20 hệ thống nội soi đường tiêu hóa, gói thầu máy siêu âm, X-quang phục vụ khám chữa bệnh. Cuối tháng 10, Bệnh viện Bạch Mai hoàn thành mua sắm 7 gói hệ thống phẫu thuật nội soi.
Thời gian qua, số bệnh nhân cần nội soi vào khoảng 600 - 800 người, có thời điểm lên tới cả nghìn lượt, 7 - 8h sáng đã hết số xếp hàng nội soi. Hiện tại, người bệnh được nội soi trong ngày.
Với hệ thống cộng hưởng từ đang lắp đặt và số máy đang sửa chữa đến tháng 1/2024, bệnh viện có gần chục máy. Khi đó, người bệnh không phải chờ đợi nhiều ngày, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Song song với mua sắm máy mới, Phó giáo sư Cơ cho biết, bệnh viện đưa các trang thiết bị trước đó "đắp chiếu" do phải phục vụ điều tra hoạt động trở lại. Thời gian tới, người bệnh đến khám đi về trong ngày, không cần chờ đợi tới hôm sau. Một số trường hợp bất khả kháng sẽ được tư vấn rõ ràng.
Hiện tại, các thuốc thiết yếu, cơ bản đều đáp ứng. Tuy nhiên, một số thuốc, vật tư tiêu hóa có thể thiếu do đứt chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục chờ các thông tư, nghị định ra đời dựa trên Luật Đấu thầu, Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm, Luật về giá và một loạt các văn bản khác vừa được Quốc hội thông qua.
Hiện Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đã lấy ý kiến của các bệnh viện ra những văn bản tạo đà liên tục với Thông tư 14, Nghị định 30, Nghị định 07 hết hiệu lực.
Thành lập ban phòng chống tham nhũng
Theo Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, trong thời gian qua, việc mua sắm của bệnh viện không gặp nhiều khó khăn do:
Thứ nhất, bệnh viện quyết tâm mua sắm phục vụ người bệnh bởi người bệnh tới Bệnh viện Bạch Mai không còn chuyển đi đâu được vì đây là tuyến cuối.
Thứ hai, bệnh viện đoàn kết nội bộ kiện toàn Ban phòng chống tham nhũng. Vì vậy, bệnh viện tự tin mua sắm, không vướng các vấn đề phần trăm hoa hồng với nhà thầu.
Trong các hợp đồng thầu đều có nội dung phòng chống tham nhũng. Bệnh viện tạo điều kiện bình đẳng công khai cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện tư pháp tham gia mua sắm. Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo điều kiện không được mua chuộc cán bộ của bệnh viện trong vấn đề đấu thầu. Nếu có tiêu cực, các công ty này bị dừng hợp đồng và bệnh viện báo các cơ quan chức năng hỗ trợ về tư pháp.
Thứ ba, bệnh viện giáo dục cán bộ tránh tình trạng thông đồng với doanh nghiệp.
Vì vậy, một loạt gói thầu có giá giảm từ 15-30% so với kế hoạch. Nhờ đó, bệnh viện tiết kiệm được ngân sách của nhà nước và quỹ phát triển.
Ngoài ra, các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm tra hiện đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho Bệnh viện Bạch Mai mua sắm đấu thầu công khai, minh bạch. Nhiều doanh nghiệp móc ngoặc tạo ra hệ sinh thái trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế đã được cơ quan điều tra quyết liệt xử lý. Công tác đấu thầu của các bệnh viện công lập sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Theo ông Cơ, Bệnh viện Bạch Mai trải qua nhiều khó khăn nhất là giai đoạn cuối năm 2021 đầu năm 2022. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng liên quan tới nhiều vấn đề tư pháp. Một loạt trang thiết bị liên quan tới các vụ án phải dừng hoạt động. Trong khi đó, số bệnh nhân tăng lên đột biến, khó khăn chồng chất khó khăn.
Tuy vậy, Bệnh viện đã cố gắng mua sắm và báo cáo Bộ Y tế, Chính phủ để tháo gỡ khó khăn. Việc tháo gỡ này không riêng cho Bệnh viện Bạch Mai mà cho tất cả các bệnh viện khác.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của Bộ Y tế, từ ngày 1/3, Nghị quyết 30 của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cơ bản. Nghị định 07 cũng thông quan các thuốc, vật tư y tế vào trong nước thuận lợi hơn. Ngoài ra, Thông tư 14 của Bộ Y tế là căn cứ pháp lý Bệnh viện Bạch Mai tháo gỡ dần khó khăn.