Sau một thời gian dài sử dụng, nhiều xe ô tô cũ thường gặp phải tình trạng vô lăng bị lệch, dù đi thẳng và không tác động lực nhưng vô lăng của xe không cân tuyệt đối. Nặng hơn là xe luôn có xu hướng nhao lái sang trái hoặc phải khi đi đường, tài xế phải liên tục giữ tay rất khó chịu.
Trao đổi với VietNamNet về hiện tượng này, anh Nguyễn Đức Thi - chủ chuỗi cửa hàng Thi Lốp tại Hà Nội cho rằng, cũng là hiện tượng lệch vô lăng nhưng về bản chất sẽ có 2 lỗi khác nhau là lệch tay lái và xe bị nhao lái. Cách nhận biết và khắc phục những lỗi này cũng rất khác nhau.
Trong đó, lệch tay lái là vô lăng sẽ bị nghiêng hẳn sang một bên không trùng với hướng di chuyển của xe. Ví dụ như xe đi thẳng nhưng "hoa" trên vô lăng bị lệch nhẹ sang trái. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do xe bị tai nạn, đâm đụng khiến rô-tuyn của xe bị lệch, dẫn đến vô lăng xe cũng bị lệch theo.
Để khắc phục, cần phải để xe thẳng lái tuyệt đối, tháo trục vô lăng rồi lắp lại với hướng bánh đã được cố định thẳng đứng như ban đầu. Ở một số dòng xe sang có sẵn chức năng căn chỉnh góc xe, chỉ cần chỉnh sao cho góc hiển thị trục lái về số 0 là tay lái sẽ được trả về thẳng.
Dù vậy, quá trình tháo lắp và chỉnh vô lăng cũng khá phức tạp, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và đồ chuyên dụng. Đôi khi phải tháo ra lắp vào nhiều lần mới đặt được góc chuẩn. Ngoài ra, việc thao tác còn rất dễ ảnh hưởng đến túi khí và hệ thống các giắc điện, cảm biến trên vô lăng.
Còn nhao lái là dù vô lăng đã đặt thẳng và không tác động thêm lực gì nhưng khi chạy xe vẫn bị nhao sang trái hoặc sang phải. Có những chiếc xe cũ có thể vừa bị lệch vô lăng, lại vừa bị nhao lái.
Xe bị nhao lái do nhiều nguyên nhân, có thể do đâm đụng, sập ổ gà, góc đặt bánh xe không chính xác, lốp xe ô tô bị mòn không đều, thước lái bị lệch hoặc do thói quen sử dụng xe như leo lề, đỗ nghiêng xe,… Ô tô bị "bệnh" nhao lái thường âm thầm "tiến triển" trong một thời gian dài, nếu không thường xuyên kiểm tra định kỳ sẽ khó phát hiện.
Cách xử lý xe bị nhao lái khá phức tạp và thường phải được đo chỉnh bằng máy móc chuyên dụng. Trong đó, cần kiểm tra các góc đặt bánh xe bao gồm góc camber (góc nghiêng bánh xe so với trục dọc), góc toe (độ chụm bánh xe) và góc caster (góc trục bánh lái nhìn từ hông xe).
Khi các thông số đã được chỉnh về chuẩn nhưng xe vẫn bị nhao về một bên khi đi với tốc độ cao, có thể các chi tiết ở thước lái hay hệ thống lái đã bị hao mòn. Để xử lý triệt để, cần kiểm tra, phát hiện và thay thế sớm các chi tiết này để đạt hiệu quả cao nhất.
Để phòng tránh việc xe bị nhao lái, anh Nguyễn Đức Thi đưa ra lời khuyên cho các chủ xe nên kiểm tra định kỳ hệ thống lái nói chung và lốp xe nói riêng. Nên thay lốp theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất và đảo lốp định kỳ khoảng 10.000 km/lần.
"Ô tô bị lệch lái, nhao lái dù ít hay nhiều cũng gây nên những phiền phức, thậm chí nguy hiểm cho người lái. Nếu phát hiện ra những hiện tượng trên, cần có sự can thiệp, điều chỉnh ngay để tránh xe bị lỗi nặng hơn. Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm trong việc sửa chữa, tốt nhất nên đem xe đến các gara uy tín để xử lý", vị chuyên gia này chia sẻ.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn gì với câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!