Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, bệnh tim mạch là kẻ giết người số một, gây ra hơn 20,5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu.
Đây là một nhóm bệnh ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu. Trong số những trường hợp tử vong vì bệnh tim mạch, 85% là do bệnh mạch vành và bệnh mạch máu não (ví dụ đột quỵ), hầu hết ảnh hưởng đến các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Các chuyên gia cho hay trái tim của mỗi người có kích thước bằng nắm tay và là cơ mạnh nhất trong cơ thể, bắt đầu đập khoảng ba tuần sau khi được thụ thai. Nếu một người sống đến 70 tuổi, trái tim sẽ đập được 2,5 tỷ lần.
Tuy nhiên, trái tim cũng rất dễ bị tổn thương do các yếu tố nguy cơ từ thói quen xấu như hút thuốc lá, thiếu vận động thể chất, ăn uống không lành mạnh, cholesterol trong máu cao hoặc mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Những yếu tố gây ra bệnh tim mạch không thể thay đổi được bao gồm tuổi, giới tính và di truyền.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho hay ngày Tim mạch thế giới 29/9 là lời nhắc nhở để mọi người hãy chăm sóc trái tim của mình. Chiến dịch năm nay tập trung vào việc hiểu rõ trái tim, vì khi biết nhiều hơn chúng ta có thể chăm sóc tốt hơn.
Suy tim là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý tim mạch chuyển hoá và ngày càng có nhiều người mắc. Một nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy sau 2 năm, có 30% bệnh nhân suy tim tử vong, sau 5 năm có 50% bệnh nhân suy tim tử vong.
Thống kê của Hội Tim mạch châu Á - Thái Bình Dương ước tính tổng chi phí nhập viện do suy tim ở khu vực này lên đến 48 tỷ USD. Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân suy tim là 5 đến 12 ngày, khoảng 15% bệnh nhân tái nhập viện trong vòng 30 ngày.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch nói chung ở người bình thường, cần chú ý:
1. Tập thể dục mỗi ngày từ 30-45 phút.
2. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau xanh và trái cây.
3. Cần thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng nếu có thể ở nơi làm việc.
4. Tạo môi trường sạch sẽ, không khói thuốc ở gia đình, công sở và nơi công cộng.
5. Khám sức khỏe định kỳ.
6. Hạn chế uống rượu bia.
7. Duy trì cân nặng hợp lý.
8. Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh.
9. Không hút thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lào…).
10. Tránh căng thẳng và lo âu quá mức.