- Trong bài viết gửi tới tòa soạn, thầy giáo Trương Như Đệ nhìn nhận phương thức thi trắc nghiệm khách quan là cách tích cực để "hạn chế bàn tay can thiệp của con người" vào kết quả thi. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc tự chủ và chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo của các trường đại học. Dưới đây là góc nhìn của thầy giáo Trương Như Đệ và mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

Sau 12 năm đèn sách, học sinh phổ thông đều phải tham gia kì thi cuối cấp. Trước đây gọi là kì thi tốt nghiệp THPT, nay là kì thi THPT quốc gia vừa xét tốt nghiệp vừa xét vào đại học.

Ai là người lo lắng cho kết quả tốt nghiệp?

Bộ GD- ĐT?

Nếu tỉ lệ tốt nghiệp cao, "bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng", Bộ uy tín, ngành giáo dục được tiếng thơm, Bộ trưởng ngẩng cao đầu vững vàng.

Trong trường hợp tỉ lệ thấp hoặc sụt giảm so năm trước, Bộ trưởng phải đăng đàn giải trình, xôn xao dư luận, xã hội "ném đá"...

Sở GD-ĐT?

Nếu học sinh trong tỉnh tốt nghiệp với tỉ lệ cao, vượt mốc năm trước, "đường ta rộng thênh thang tám thước". Ngược lại, giám đốc sở như ngồi trên ổ kiến lửa, thấp thỏm chờ tỉnh ủy gọi, chuẩn bị nghe Hội đồng Nhân dân chất vấn, báo chí địa phương phân tích, so sánh, "Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?".

Hiệu trưởng?

Thi xong, không chỉ học sinh mà hiệu trưởng cũng nóng lòng, ngóng, chờ kết quả từng ngày. Ngày hội đồng chấm thi công bố kết quả, thầy trò cùng hồi hộp, tâm trạng khác nhau. Khi nghe tin trường tỉ lệ tốt nghiệp cao, vượt hon năm trước, hiệu trưởng thở phào, "tâm hồn vui phơi phới", "hương rừng thoảng đưa hồn say sưa". Thành tích thi đua năm nay là yên tâm. Đi họp sở, họp huyện không còn thoi thóp.

Giáo viên?

Kết quả thi của lớp, của bộ môn không cao thì coi chừng thi đua, công sức phấn đấu cả năm thành công cốc, công dã tràng, thành tích năm nay "thôi là hết chia tay từ đây".

Chuyên môn hay "chiêu thức"?

Công bằng mà đánh giá, các nhà quản lí giáo dục các cấp đã không ngừng cố gắng đầu tư, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, không ngừng đổi mới, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phân ban, cải tiến thi cử...

Và cũng thẳng thắn mà nhìn nhận còn lúng túng.

Trong  3 năm, cách thức tổ chức kì thi thay đổi. Năm 2015, có 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì và 63 cụm thi do các Sở chủ trì. Năm 2016, mỗi tỉnh có 1 cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Năm nay, mỗi tỉnh có 1 cụm thi và do Sở chủ trì.

{keywords}
Thi trắc nghiệm đã được tiến  hành trong một số kỳ thi trước và đến kỳ thi THPT 2017 thì mở rộng tới tất cả các môn, trừ Ngữ văn.

Qui chế tính điểm xét tốt nghiệp là trung bình cộng của điểm trung bình 4 môn thi và điểm trung bình cả năm lớp 12.

Đã xuất hiện hiện tượng một số học sinh cuối năm lớp 11 điểm kém suýt ở lại lớp, năm nay điểm trung bình cả năm lớp 12 trên 6 phẩy. Có em suốt cả bậc học phổ thông không hề biết đến danh hiệu tiên tiến là gì, cuối năm 12 cha mẹ bỗng thấy con mang về giấy khen học sinh tiên tiến. Ngạc nhiên chưa?

Đề xuất một vài toa thuốc

Xin đề xuất 2 toa thuốc, những mong "phước chủ duyên thầy".

Toa 1: Hạn chế bàn tay can thiệp của con người.

Trước hết, xin được đồng tình và ủng hộ cao phương thức thi trắc nghiệm. Nếu trong phòng thi mỗi thí sinh 1 đề sẽ ngăn chặn được sự nhúng tay của những kẻ thiếu đạo đức. Trong chấm thi cũng sẽ "bó tay" phần tử lỡ "để quên lương thiện" ở nhà.

Tuy nhiên điểm thi là điểm thi, điểm học là điểm học, không nên lấy điểm thi trộn điểm học để xét tốt nghiệp sẽ làm mất tính chính xác, khách quan của điểm thi. Điểm học hoàn toàn thuộc ý muốn chủ quan của giáo viên. Giáo viên và các cấp quản lí giáo dục mà "thương" học trò của mình thì khó lòng khách quan. Đề nghị chỉ sử dụng điểm thi để xét tốt nghiệp.

Toa 2: Bỏ kì thi tốt nghiệp THPT

Giáo dục nước ta đã hoàn thành phổ cập Tiểu học và THCS. Thiết nghĩ, cũng đến thời điểm tính đến phổ cập THPT và bỏ kì thi tốt nghiệp THPT. Học sinh học hết chương trình phổ thông sẽ được nhà trường xét cấp giấy chứng nhận để các em vào đời đã đủ 18 tuổi).

Việc tuyển sinh vào ĐH sẽ do các trường tự chủ và chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo đúng tinh thần Luật Giáo dục đại học: "Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh" (mục c, khoản 2, điều 34 Luật Giáo dục đại học). Chần chờ gì nữa, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

  • Trương Như Đệ