- Để đẩy lùi tình trạng "cò" bệnh viện và giảm tải áp lực cho cán bộ y tế, lực lượng thanh niên tình nguyện sẽ có mặt tại 30 bệnh viện lớn trên cả nước để hỗ trợ hướng dẫn, chăm sóc bệnh nhân.

Sáng 4/7, 150 sinh viên tình nguyện đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tham gia hướng dẫn người bệnh về các thủ tục khám chữa bệnh, nhập viện; hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân...

Đây là những hoạt động trong chương trình "Tiếp sức người bệnh" do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai với lực lượng nòng cốt là SV ĐH Y dược, SV ngành tâm lý, công tác xã hội của các trường ĐH.

{keywords}
Sinh viên tình nguyện hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: T.Hạnh

Phát biểu tại lễ ra quân sáng 4/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu giáo dục y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực, làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người cán bộ y tế.

Để khắc phục tình trạng này đồng thời xây dựng hình ảnh, phong cách người cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đây là giải pháp mang tính đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện cách nghĩ, cách làm của từng cán bộ y tế, từng cơ sở y tế khi phục vụ người bệnh. Một trong những trọng tâm của kế hoạch chính là đề án "Tiếp sức người bệnh".

Bộ trưởng cho rằng, trong điều kiện hạ tầng chật chội, quá tải như hiện nay, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai với số lượng bệnh nhân đến khám gần 4.000 người/ngày khiến nhân viên hành chính chịu rất nhiều áp lực, bệnh nhân thì mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu.

Do đó chương trình tiếp sức người bệnh là hết sức cần thiết, để phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc giúp đỡ bệnh nhân và người nhà đến khám, điều trị, góp phần cùng các bệnh viện cải thiện khâu đón tiếp, hướng dẫn, chăm sóc bệnh nhân tại khu vực khám bệnh quá tải, giúp cho người bệnh tiết kiệm thời gian trong trong các thủ tục khám, xét nghiệm.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, từ nay tới cuối năm 2015 sẽ có hơn 3.000 tình nguyện viện tham gia chương trình tại 30 bệnh viện của 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình sẽ phủ rộng 63 tỉnh thành tại 90 bệnh viện với số lượng hơn 10.000 tình nguyện viên.

Theo đó mỗi đội tình nguyện gồm 50-200 sinh viên đến từ các trường ĐH Y dược, sinh viên ngành công tác xã hội, tâm lý sẽ hướng dẫn, giúp đỡ người dân thực hiện quy trình khám chữa bệnh; hướng dẫn người bệnh làm thủ tục nhập/xuất và chuyển viện; hỗ trợ người nhà chăm sóc bệnh nhân; tổ chức các hoạt động từ thiện tại bệnh viện cho người nhà, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn...

Chương trình hướng tới mục tiêu giảm 70% tình trạng “cò” bệnh viện và giảm 30% khối lượng công việc của điều dưỡng viên, nhân viên hành chính tại những bệnh viện lớn; giảm được 80 - 90% tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện, góp phần giảm quá tải bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Thúy Hạnh