Chia sẻ với PV VietNamNet, PGS.TS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, cho hay nghịch lý này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay mỗi năm, toàn cầu có 13,7 triệu người bị đột quỵ, khiến 5,5 triệu người chết. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Theo TS.BS. Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tần suất lưu hành bệnh đột quỵ tại Việt Nam là 1.100-1.200/100.000 người. Tỷ lệ tử vong là 210/100.000 dân, cao gấp 3 lần so với Thái Lan.
Trình độ điều trị tốt nhưng bệnh nhân không giảm
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác điều trị sau nhiều năm, đột quỵ vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam, ảnh hưởng tới 71% sức khỏe người lao động.
Đánh giá về trình độ điều trị đột quỵ của Việt Nam, ông Thắng cho hay chúng ta đang làm rất tốt trong mảng điều trị cấp.
Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị bằng các kỹ thuật cao so với những nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia hay Malaysia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ngang bằng với Thái Lan về số lượng ca điều trị cấp và kỹ thuật.
Đã có 126 trung tâm đột quỵ. Đây là cách giúp cho bệnh nhân tiếp cận được những điều trị đặc hiệu, chuyên biệt tốt hơn.
Ngoài ra, Việt Nam đã cập nhật rất nhiều tiến bộ trong điều trị đột quỵ, cả cấp lẫn phòng ngừa, tìm ra được 90% gây đột quỵ. Thuốc điều trị cũng dễ dàng tiếp cận với người bệnh hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc đột quỵ không giảm, thậm chí tăng lên.
“Nghịch lý này không ít lần khiến tôi trăn trở”, PGS.TS. Thắng bày tỏ.
Nguyên nhân do đâu?
Theo TS. Võ Văn Tân, hiện nay, số người bị đột quỵ tại Việt Nam vẫn gia tăng và khiến nhiều người lâm vào cảnh tàn phế do nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên là trình độ của các bệnh viện điều trị đột quỵ chưa đồng đều.
“Một số nơi đã có khả năng điều trị chuyên sâu, số khác lại chỉ có thể điều trị ban đầu. Điều này khiến nhiều người bệnh chưa được chăm sóc tốt”, bác sĩ Tân nhận định.
Bên cạnh đó, công tác điều trị thứ phát và phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ còn chưa được chú trọng.
Ngoài ra, ý thức người dân về đột quỵ dù đã tăng lên nhưng vẫn chưa cao. Nhiều người bệnh trước khi nhập viện được người nhà xử lý bằng những phương pháp dân gian, bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị.
Quan trọng nhất, Việt Nam chưa có nhiều chương trình lớn về tầm soát yếu tố nguy cơ để dự phòng tiên phát cũng giống như kiểm soát yếu tố nguy cơ cho người đột quỵ.
Bổ sung ý kiến, PGS.TS. Thắng cũng cho hay, chiến lược tầm soát của Việt Nam đang tập trung vào nhóm bệnh nhân nguy cơ cao (hút thuốc lá, có các bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch, béo phì…) mà quên mất nhóm còn lại.
“Để quản lý bệnh trong cộng đồng, bên cạnh nâng cao kỹ thuật, trước tiên phải nghĩ đến công tác phòng ngừa. Thực hiện kỹ thuật mới có thể cứu nghìn người nhưng có chiến lược phòng ngừa tốt có thể cứu được triệu người”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Thắng, Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ và cụ thể để đánh giá nguy cơ gây đột quỵ trong cộng đồng. Thực tế, đây là điều không dễ thực hiện vì có thể mất rất nhiều chi phí và nhân lực.
Vì thế, ông đề xuất giải pháp khuyến khích người dân sử dụng ứng dụng theo dõi sức khỏe. Đây là phương pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả, giúp ngành y tế nắm bắt và theo dõi dịch tễ học.
“Khi sử dụng, người dân cần khai báo bệnh sử của mình. Từ những thông tin này, ngành y tế có thể vẽ ra bức tranh toàn cảnh về dịch tễ học, từ đó đưa ra được những cách tiếp cận phù hợp hơn trong việc phòng ngừa bệnh đột quỵ cho người dân”.