Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương (Bệnh viện đại học kỹ thuật y tế Hải Dương) đang điều trị cho 5 bệnh nhân Covid-19 nặng. Trong đó, có 2 trường hợp từng rơi vào nguy kịch, tới nay đều tiến triển khả quan.
Thông tin với VietNamNet sáng 24/2, Ths.BS Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai), chuyên gia hỗ trợ điều trị Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương cho biết, trường hợp nặng nhất đơn vị tiếp nhận là bệnh nhân nam, 60 tuổi.
Người này từng rơi vào nguy kịch chỉ sau 12 tiếng nhập viện, đã xem xét đến phương án can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, bệnh nhân sau đó có tiến triển rất tích cực.
Nam bệnh nhân 60 tuổi được các bác sĩ điều trị tích cực thời điểm nguy kịch |
Sáng 22/2, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, có thể tự thở. Đến ngày 23/2, người bệnh đã tỉnh táo, được nhân viên y tế dìu để tập đi lại. Hiện tất cả thông số, tổn thương trên phổi của bệnh nhân hồi phục rất tốt. Bác sĩ đánh giá, sức khỏe bệnh nhân đang dần ổn định.
Trước đó, ngày 12/2 (tức mùng 1 Tết), nam bệnh nhân nói trên bắt đầu khởi phát bệnh với biểu hiện gai sốt (sốt 38 độ), đau nhức người. Đến ngày 17/2, bệnh nhân khó thở tăng, được đưa vào Trung tâm y tế Kinh Môn khám, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Sau khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2, bệnh nhân chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị.
Theo bác sĩ Toàn, người bệnh nhập viện lúc 11h30’ trưa 17/2. Thời điểm đó, bệnh nhân đã suy hô hấp rất nặng, thở nhanh, oxy trong máu xuống vô cùng thấp, chỉ còn 70% (ở người bình thường, chỉ số này khoảng hơn 95%).
Ngay lập tức, người bệnh được hỗ trợ thở oxy lưu lượng cao, tuy nhiên sự đáp ứng rất kém. Đến 0h30’ rạng sáng 18/2, bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản do tình trạng nặng.
“Diễn biến của người bệnh rất nhanh, chỉ trong vòng 12 tiếng đã phải can thiệp thở máy xâm nhập. Kết quả chụp CT phổi cho thấy tổn thương phổi của người bệnh lan tỏa kín hai bên”, bác sĩ Toàn nhấn mạnh.
Trong ngày 19/2, Tiểu ban Điều trị hội chẩn chuyên môn, đưa ra ý kiến chỉ đạo điều trị cho bệnh nhân này. Các chuyên gia đã tính đến phương án can thiệp ECMO nếu tình trạng tiếp tục diễn tiến xấu. Bệnh viện Bạch Mai cử thêm nhân lực về hồi sức tích cực, chuyển trang thiết bị về Hải Dương để sẵn sàng cho tình huống cần thiết.
Những ngày sau đó, bệnh nhân được lọc máu tích cực kết hợp thở máy. May mắn, sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã có sự hồi phục rất tốt, không cần can thiệp ECMO.
Bác sĩ Toàn thông tin, nam bệnh nhân 60 tuổi không rõ bệnh lý nền khi nhập viện, tuy nhiên có rất nhiều xét nghiệm bất thường, tình trạng thiếu máu, có thể là dấu hiệu của bệnh lý nền phức tạp. Sau khi điều trị khỏi Covid-19, bệnh nhân sẽ được làm chẩn đoán sâu hơn để phát hiện bệnh nền.
Ths.BS Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai), chuyên gia hỗ trợ điều trị Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương |
Bệnh nhân Covid-19 nặng thứ hai đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương là một cụ ông cụ 86 tuổi. Cách đây 2 ngày, người bệnh vẫn có tình trạng rất nặng, phải thở oxy lưu lượng cao kèm lọc máu. Đến nay, bệnh nhân đã đáp ứng điều trị rất tốt, các tổn thương phổi trên phim chụp cải thiện.
Cụ ông trước đó là F1, phát hiện dương tính SARS-CoV-2 khi đang cách ly tập trung nên chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị. Khi vào viện, tình trạng lâm sàng của ông rất tốt. Tuy nhiên, xác định bệnh nhân lớn tuổi, nhiều nguy cơ diễn tiến nặng, các bác sĩ chủ động đưa ông lên Khoa Hồi sức tích cực theo dõi.
Ngày 19/2, bệnh nhân thở nhanh, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) rất thấp, chụp CT phổi phát hiện tổn thương lan tỏa cả 2 bên. Ngay lập tức, bệnh nhân được áp dụng các biện pháp hỗ trợ tối ưu nhất, cho thở oxy lưu lượng cao kết hợp lọc máu liên tục.
Hiện nhịp thở của người bệnh đã gần trở về bình thường, oxy máu rất tốt. Bác sĩ tiên lượng bệnh nhân sẽ nhanh hồi phục trong thời gian tới.
Ngoài 2 bệnh nhân nói trên, 3 ca Covid-19 nặng khác Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 2 đều đang có tình trạng ổn định, hồi phục rất tốt.
Nguyễn Liên
Hải Dương bước vào cuộc ‘tổng phản công’ 6 ngày đẩy lùi dịch Covid-19
Hải Dương sẽ thực hiện xét nghiệm diện rộng tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn. UBND tỉnh đánh giá đây là cuộc “tổng phản công” quan trọng trong thời gian rất ngắn để đẩy lùi dịch dịch bệnh.