PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Chủ tịch Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho biết tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh lý mạch máu ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Tại Việt Nam, theo quy định, người cao tuổi là người có độ tuổi từ 60 trở lên. Kinh tế phát triển kèm theo hệ thống chăm sóc y tế được đầu tư dần tốt lên.
Trong khi đó, tốc độ già hóa của nước ta thuộc loại nhanh nhất thế giới, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam ngày càng tăng. Do vậy, tỷ lệ người cao tuổi nhập viện vì các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch nói chung, đặc biệt bệnh lý mạch máu cũng tăng lên.
Cùng đó, người trẻ trong xã hội hiện đại thường xuyên đối mặt với áp lực công việc, lối sống ít vận động, mắc nhiều bệnh rối loạn chuyển hóa, béo phì, xơ vữa động mạch, thói quen hút thuốc lá dẫn đến nguy cơ mắc bệnh mạch máu ngày càng gia tăng, PGS Ước chia sẻ tại Hội nghị khoa học toàn quốc Hội Bệnh mạch máu Việt Nam lần thứ 3.
Nhiều bệnh lý mạch máu nguy hiểm có thể gây biến chứng nặng, phải cắt cụt chi, thậm chí tử vong, được xác định là có liên quan đến yếu tố tuổi tác, giới tính, các bệnh lý liên quan tới rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính khác như tăng huyết áp, đái tháo đường hay thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia. Đó là bệnh lý như hẹp tắc các động mạch ngoai biên, bệnh phình và lóc tách động mạch chủ…
Đơn cử, với bệnh động mạch chi dưới, có đến 20% người trên 70 tuổi sẽ bị bệnh này. Trên thế giới, khoảng 200 triệu người bị bệnh động mạch chi dưới (số liệu năm 2015). Tại Hoa Kỳ, khoảng 6,5 triệu người từ 40 tuổi trở lên mắc bệnh động mạch chi dưới. Khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, giai đoạn thiếu máu trầm trọng chi dưới, 20% bệnh nhân phải cắt cụt chi.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Nhật Tiên, Tổng thư ký Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, tại Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cũng như nhiều trung tâm tim mạch lớn trên cả nước, hằng năm, mỗi bệnh viện có khoảng 400-800 bệnh nhân cao tuổi được mổ và can thiệp điều trị hẹp, tắc động mạch chi dưới. Trong đó, đa phần các trường hợp thiếu máu trầm trọng chi do phát hiện muộn, hoặc điều trị chưa dứt điểm, dẫn đến nhiều trường hợp phải phối hợp cắt cụt ngón chi sau can thiệp, phẫu thuật.
Bệnh lóc động mạch chủ type A, là bệnh cấp cứu trong tim mạch, cũng có xu hướng gặp ngày càng nhiều ở Việt Nam do gia tăng bệnh lý tim mạch liên quan đến cao huyết áp và tuổi thọ. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra đột tử ở người khoẻ mạnh. Phẫu thuật điều trị bệnh lý này được coi là phức tạp, nặng nề và tốn kém nhất trong các phẫu thuật tim mạch thông thường. Trong 3 năm 2020-2022, tại nhiều trung tâm y học lớn trong nước, đặc biệt ở TPHCM và Hà Nội, đã phẫu thuật điều trị cho trên 500 ca lóc động mạch chủ type A.
Theo các bác sĩ, để phòng bệnh tim mạch nói chung và các bệnh lý mạch máu nói riêng, người dân nên thực hiện nhiều hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng; không hút thuốc lá, cả chủ động và thụ động; hạn chế bia, rượu. Đặc biệt, cần kiểm soát huyết áp cao, quản lý cholesterol trong máu cao và bệnh tiểu đường.
Từ ngày 6-9/6, tại Quảng Ninh và Hà Nội, Hội nghị khoa học toàn quốc Hội Bệnh mạch máu Việt Nam lần thứ 3 kết hợp với Hội nghị Tim mạch tỉnh Quảng Ninh lần thứ 5 đã diễn ra, thu hút gần 1.000 lượt đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến, là các chuyên gia đến từ trong và ngoài nước, hội viên từ nhiều chuyên ngành khác nhau.
Chủ đề hội nghị năm nay là "Bệnh mạch máu - Điểm đến các chuyên ngành", với điểm nhấn là lần đầu tiên hội cấp quốc gia kết hợp với một hội chuyên ngành cấp tỉnh để cùng đăng cai tổ chức hội nghị lớn tầm cỡ toàn quốc.
Trong 4 ngày diễn ra với các phiên thảo luận khoa học, trên 160 báo cáo cả trực tiếp và trực tuyến liên quan tới các chủ đề như: bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tĩnh mạch, bệnh động mạch tạng,… đã giúp các thầy thuốc trên toàn quốc cũng như ở Quảng Ninh có cơ hội cập nhật kiến thức, phác đồ mới, các kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăm sóc và điều trị bệnh lý mạch máu.