Theo trang Page Six, ca sĩ nổi tiếng này phát hiện mắc lupus ban đỏ, bắt đầu điều trị vào năm 2014. Năm 2020, chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
“Khi còn trẻ tôi không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào của lupus ban đỏ. Bây giờ tôi chỉ cảm thấy đau. Một buổi sáng thức dậy, tôi bật khóc vì quá đau đớn”, Selena nói. Bác sĩ của cô thông báo cơn đau bắt nguồn từ sự chồng chéo của bệnh lupus ban đỏ và viêm cơ, gây đau đớn, suy yếu các cơ.
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến hơn 5 triệu người trên toàn thế giới. Mỗi năm có thêm 16.000 ca mắc mới được phát hiện. Đây là bệnh nguy hiểm tuy nhiên chưa nhiều người biết đến.
TS Nguyễn Lan Anh, Trung tâm Da liễu – Dị ứng, Bệnh viện 108, cho biết lupus ban đỏ hệ thống là bệnh viêm hệ thống, có cơ chế tự miễn, chưa rõ nguyên nhân. Bệnh đặc trưng bởi hiện tượng cơ thể tự sản xuất các tự kháng thể chống lại một số thành phần của chính mình.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống vào điều trị tại Trung tâm luôn chiếm số lượng đông nhất, với hơn 1.000 lượt/năm, tương đương gần 50% tổng bệnh nhân nội trú.
Theo TS.BS Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm, 9 trên 10 bệnh nhân mắc lupus ban đỏ là nữ, thường gặp ở lứa tuổi cho con bú.
Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ. Phần lớn các nghiên cứu gợi ý rằng có 3 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình phát sinh bệnh gồm: Di truyền, môi trường và hormone giới tính.
"Trung tâm ghi nhận các trường hợp lupus gia đình như mẹ và con; hay chị em gái cùng mắc bệnh. Có trường hợp cá biệt chị gái và em trai cùng mắc" - TS Thông cho hay.
Triệu chứng mắc lupus ban đỏ
Các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm.
Triệu chứng toàn thân của lupus ban đỏ hệ thống thường không đặc hiệu. Đôi khi bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Mỗi người có các triệu chứng đầu tiên khác nhau, có người sưng đau khớp, có người nổi ban đỏ ở mặt.
Ban đỏ cánh bướm ở mặt cũng là một trong những triệu chứng điển hình. Có những người không có biểu hiện bên ngoài nhưng biểu hiện bên trong, khi xét nghiệm thì phát hiện ra như tổn thương nội tạng, hệ thần kinh,...
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng thường mơ hồ và giống nhiều bệnh khác. Vì thế có người mất tới vài năm từ lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi bệnh được chẩn đoán xác định.
Bệnh đến nay chưa có liệu pháp điều trị đặc hiệu. Mục tiêu điều trị chủ yếu kiểm soát triệu chứng trong đợt cấp, dự phòng tổn thương nội tạng và dự phòng các đợt bệnh tái phát.
Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn một số biện pháp tránh các nguyên nhân gây bệnh như: Sử dụng khăn hoặc tấm vải che chắn da, tránh để da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, hạn chế gắng sức, hạn chế lao động mạnh, hạn chế thai nghén. Nếu bệnh nhân dự định có thai, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ ít nhất 6 tháng trước đó.
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh mãn tính, cần tuân thủ điều trị thường xuyên. Nếu bệnh nhân bỏ thuốc, các ảnh hưởng của nội tạng sẽ phát triển âm thầm. Khi bệnh nhân quay lại, tổn thương đã quá nặng, có thể không điều trị được nữa.
Bác sĩ BV đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa đỡ đẻ thành công cho sản phụ bị lupus ban đỏ gây tổn thương thận, suy tim. Em bé chào đời khỏe mạnh, nặng 2,1 kg.