- Bệnh lao phổi được chia làm hai thể là lao trong phổi và lao ngoài phổi. Lao xương khớp là một trong các loại bệnh lao thuộc thể lao ngoài phổi.


Bệnh lao xương khớp là gì?

Lao xương khớp là bệnh hệ thống xương khớp có chứa vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis (MTB) gây ra. Đây được coi là loại lao thứ phát do vi khuẩn từ phổi hoặc hệ tiêu hóa đi theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó trong hệ thống xương khớp gây ra bệnh.

Bệnh lao xương khớp có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào và ở bất cứ đâu trong hệ xương khớp trong đó cột sống chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 60 - 70 %), khớp háng chiếm khoảng 10% và khớp gối chiếm khoảng 5%.

benh lao xuong khop

Triệu chứng của lao xương khớp

Tùy vào vị trí của hệ xương khớp mà bệnh lao xương khớp có những triệu chứng khác nhau.

Lao cột sống hay còn gọi là bệnh Pott là tình trạng viêm đốt sống, đĩa đệm do lao gây ra. Bệnh có biểu hiện sốt nhẹ về chiều, vã mồ hôi, gầy sút cân, da xanh xao và ăn uống kém. Biểu hiện tại chỗ, bệnh nhân đau cột sống liên tục, cơn đau tăng dần về đêm. Bệnh kéo dài có thể gây xẹp đốt sống gây gù.

Lao ngoại biên hay gặp nhất là lao khớp háng, khớp gối. Một số khớp khác ít gặp hơn như khuỷu tay, cổ tay, cổ chân. Triệu chứng của bệnh cũng tương tự như lao cột sống. Bệnh thường phối hợp với các laọi bệnh suy giảm miễn dịch, HIV hoặc đái tháo đường... Tại chỗ bị bệnh xảy ra tình trạng sưng, nóng, đau đỏ và thường ở một khớp đơn độc. Bệnh nhân hạn chế vận động, có thể có lỗ dò ra chất hoại tử bã đậu hoặc mảnh xương chết. Nếu để lâu ngày khớp sẽ bị teo dẫn đến hạn chế vận động.

Phương pháp điều trị lao xương khớp

Điều trị lao xương khớp bao gồm điều trị cơ bản (tức điều trị nguyên nhân gây bệnh) và điều trị phối hợp.  

Điều trị cơ bản tức là dùng thuốc chống lao theo phác đồ điều trị của bác sĩ để tiêu diệt vi khuẩn lao. Ngoài ra, cần có các biện pháp điều trị phối hợp tức là điều trị các loại bệnh khác hoặc kết hợp nghỉ ngơi, thậm chí có thể tiến hành phẫu thuật để loại bỏ tổn thương, chỉnh hình...

Phòng bệnh lao xương khớp

Bệnh nhân cần được cách ly với người thân để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.

Những người thân trong gia đình có tiếp xúc với bệnh nhân lao cần đi khám và chụp X-quang phổi để phát hiện sớm tình trang nhiễm lao và có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời để tránh lây lan.

Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ, tuân thủ các nguyên tắc điều trị để không dẫn tới tình trạng lao tái phát hoặc kháng thuốc.

Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường ăn chất đạm, rau xanh, hoa quả tươi. Bệnh nhân cần có thói quen luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để đảm bảo sức khỏe, chống lại bệnh lao xương khớp hiệu quả.

Nguyễn Quốc Khánh