- Bệnh lao được liệt vào “tứ chứng nan y”, theo đông y, từng cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Những thành tựu của y học hiện đại đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về loại bệnh này. Vậy, bệnh lao là gì?
Bệnh lao là bệnh do một loại vi khuẩn tấn công và hủy hoại mô cơ thể. Vi khuẩn lao có tên Mycobacterium Tuberculosis (MTB) lây truyền qua không khí. Ở nhiều người, bệnh lao thường tiềm tàng trong cơ thể khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân xuống cấp tạo cơ hội cho vi khuẩn lao xuất hiện gây ra các triệu chứng bệnh. Sau đó bệnh lao bắt đầu xuất hiện. Bệnh thường ảnh hưởng đến phổi nhưng cũng có thể lây lan sang xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác.
Triệu chứng và dấu hiệu bệnh lao
Trong giai đoạn ủ bệnh, cơ thể không có biểu hiện gì bất thường. Đa số bệnh nhân không có triệu chứng cụ thể và bệnh cũng không hay lây lan. Tuy nhiên, khi bệnh bắt đầu phát triển thì những triệu chứng của bệnh cũng xuất hiện. Các triệu chứng có thể là ho kéo dài trong ít nhất 3 tuần, ho kèm theo đờm hoặc máu, đau ngực, sốt, đổ mồ hôi đêm, sụt cân, ăn không ngon miệng, mệt mỏi và yếu ớt. Các triệu chứng của lao có thể gây ra do nhiều bệnh liên quan đến phổi khác.
Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế nếu bị sút cân không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi về đêm. Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm để tìm và xác định chính xác các triệu chứng đó là của bệnh lao hay của các loại bệnh khác từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây ra bệnh lao
Bệnh lao do vi khuẩn MTB gây ra. Đây là loại vi khuẩn có thể lây truyền qua không khí. Điều đó cũng có nghĩa việc ở cùng một môi trường không khí có vi khuẩn MTB, hít phải không khí do bệnh nhân ho cũng có thể khiến chúng ta bị lây nhiễm MTB dẫn đến bệnh lao.
Sau khi vào cơ thể, MTB thường ở trạng thái ngủ được gọi là giai đoạn ủ bệnh. Nếu xét nghiệm vẫn có kết quả dương tính dù không có biểu hiện của bệnh. Nguy cơ nhiễm bệnh lao sẽ giảm đi rất nhiều nếu phát hiện vi khuẩn MTB ở giai đoạn này.
Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh sẽ khác ở mỗi người. MTB sẽ phát triển từ phổi và theo mạch máu di chuyển sang các cơ quan khác.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh lao
Bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm lao nếu tiếp xúc với môi trường không khí có chứa vi khuẩn MTB. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch yếu, bị nhiễm HIV, tiểu đường, suy dinh dưỡng, ung thư,... có nguy cơ cao bị mắc bệnh lao.
Điều trị bệnh lao
Hiện nay, bệnh lao có thể chữa trị tương đối dễ dàng với một phác đồ điều trị khá nghiêm ngặt trong vòng 6 tháng với việc sử dụng 3 đến 4 loại thuốc kháng sinh hàng ngày.
Việc điều trị vẫn phải được tiến hành khi cơ thể đã hết các triệu chứng của bệnh. Bởi nếu ngưng thuốc sớm, vi khuẩn vẫn còn trong cơ thể thì bệnh lao có thể quay lại và lây lan sang các cơ quan khác của cơ thể hoặc lây lan cho người khác. Đặc biệt, khi vi khuẩn lao kháng thuốc thì việc điều trị bệnh lao sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều.
Nguyễn Quốc Khánh