Thông tin trên được ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ tại lễ phát động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh sáng 25/7.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu của bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã lập tức tổ chức họp khẩn để tìm cách ứng phó. Hiện thế giới đã có 16.000 trường hợp mắc, 5 trường hợp tử vong vì đậu mùa khỉ.
Nước ta chưa ghi nhận ca bệnh, tuy nhiên, nguy cơ bệnh có thể xâm nhập qua các đường hàng không, các cửa khẩu, trong bối cảnh Việt Nam mở cửa hoàn toàn sau 2 năm dịch bệnh.
Ông Tâm nhận định, TP.HCM có cảng hàng không quốc tế, cảng hàng hải, một số tỉnh lân cận có đường biên giới, cửa khẩu quốc tế. Nguy cơ đậu mùa khỉ sẽ xuất hiện bởi những ca nhập cảnh. Do đó, đòi hỏi hệ thống kiểm soát y tế phải giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, khách du lịch đến các tỉnh phía Nam hiện nay rất đông, bao gồm cả khách du lịch quốc tế. Hệ thống y tế cần giám sát thường trực để phát hiện sớm các ca đậu mùa khỉ.
Khi phát hiện có một trường hợp xuất hiện triệu chứng đậu mùa khỉ, ngành y tế sẽ vận động bệnh nhân đến cơ sở y tế. CDC các tỉnh thành sẽ lấy mẫu xét nghiệm, chuyển cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, đồng thời lập tức cách ly bệnh nhân.
Khi đã có kết quả xét nghiệm dương tính, bệnh nhân sẽ được cách ly, điều trị trong vòng 21 ngày. Bệnh có thể tự khỏi trong 2-3 tuần. Đậu mùa khỉ rất ít lây lan nhanh như bệnh Covid-19 (qua đường hô hấp).
Hiện nay, Bộ Y tế thường xuyên cập nhật tình hình, họp hàng tuần với đại diện WHO, CDC Hoa Kỳ để phân tích về nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam. Các labo, trang thiết bị xét nghiệm cũng đã sẵn sàng khi có trường hợp nghi ngờ.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi người dân đi từ vùng dịch về và có dấu hiệu sốt, đau đầu, đau cơ, phát ban, nổi hạch... cần đến các cơ sở y tế để khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
Cũng trong hôm nay, TP.HCM đã lên kế hoạch giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu và sàng lọc tại các cơ sở y tế.