Căn bệnh đang có xu hướng trẻ hóa

Hưởng ứng tuần lễ Glôcôm, Công ty TNHH Novartis Việt Nam đã cùng Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu, Hệ thống bệnh viện Mắt Sài Gòn và HelloBacsi tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Căn bệnh Glôcôm - Kẻ cắp thị lực thầm lặng” nhằm mang đến những thông tin bổ ích về căn bệnh nguy hiểm này.

Tại toạ đàm, MC Thanh Thảo chia sẻ, trong một thời gian dài gần đây, cô phải dành nhiều thời gian nhìn màn hình máy tính do làm việc ở nhà khiến đôi mắt cảm thấy mỏi mệt. Đôi khi cô có cảm giác nhức đầu. Khi có dấu hiệu mỏi mắt, MC Thanh Thảo đã tự tìm kiếm thêm không tin và cô thấy giật mình khi biết có thể những dấu hiệu tưởng chừng như không nguy hiểm như nhìn thấy quầng sáng xung quanh bóng đèn, hay đau mắt đau đầu, đều có thể là những dấu hiệu của bệnh Glôcôm hay còn có tên gọi khác là cườm nước.

{keywords}
 MC Thanh Thảo chia sẻ về sức khỏe mắt của bản thân trong tọa đàm trực tuyến “Căn bệnh Glôcôm - Kẻ cắp thị lực thầm lặng”

Khi tìm hiểu kỹ hơn cô lại càng bất ngờ khi 94% người dân không hiểu rõ hoặc còn mơ hồ về bệnh, trong khi Glôcôm là bệnh diễn biến trong lặng lẽ mà không hề có triệu chứng rõ ràng. Kết quả sẽ khiến bệnh nhân bị mù lòa vĩnh viễn.

Trước giờ, MC Thanh Thảo nghĩ bệnh cườm nước chỉ xuất hiện ở người lớn, trên 60 tuổi thôi, nhưng thực chất căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa và xuất hiện ở nhóm tuổi 35 - 40 như chính cô vậy.

Ths. BS. Nguyễn Trần Quốc Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn cho biết, bệnh Glôcôm thường được phân thành 2 loại là Glôcôm góc mở và Glôcôm góc đóng. Trong đó Glôcôm góc mở là dạng phổ biến nhất chiếm hơn 90% tổng số ca.

Ở Glôcôm mở, thủy dịch vẫn đến được hệ thống thoát dịch, nhưng không thoát được do đường thoát bị nghẽn. Hậu quả là nhãn áp tăng cao và gây tổn thương thị lực.

Đối với Glôcôm góc đóng, thủy dịch không thể đến hệ thống thoát dịch, nên bị ứ đọng, khiến nhãn áp tăng rất cao và gây tổn thương trong thời gian ngắn. Các dấu hiệu thường đột ngột xuất hiện với các biểu hiện rầm rộ như đau nhức mắt dữ dội, giảm thị lực trầm trọng, buồn nôn,... và cần phải được cấp cứu.

{keywords}
 BS. Nguyễn Trần Quốc Hoàng (trái) phân loại các nhóm bệnh Glôcôm tọa đàm trực tuyến “Căn bệnh Glôcôm - Kẻ cắp thị lực thầm lặng”

Nguyên nhân bị cườm nước (Glôcôm) góc mở

Theo BS. Nguyễn Trần Quốc Hoàng, Glôcôm góc mở là dạng cườm nước phổ biến nhất, chiếm đến 90% trường hợp. Góc tiền phòng tạo bởi giác mạc và mống mắt, gồm các cấu trúc chính là ống Schlemm nằm bên trong vùng lưới bè. Một phần nguyên nhân tăng nhãn áp đối với bệnh Glôcôm góc mở là do:

Xơ hóa vùng bè: chất ngoại bào trong lớp bè bị xơ hóa sẽ lắng đọng và gây hẹp, dính các khoang bè lại, từ đó cản trở thủy dịch thoát lưu ra ngoài.

Chênh lệch áp lực tiền phòng - ống Schlemm: có thể khiến ống Schlemm bị xẹp, làm giảm lượng thủy dịch có thể thoát ra ngoài nhãn cầu.

Những vấn đề này thường không hoàn toàn ngăn chặn thủy dịch thoát lưu nên áp lực nội nhãn sẽ không đột ngột tăng lên và âm thầm làm tổn thương thần kinh thị giác. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân chưa được làm rõ và Glôcôm góc mở có khi nhãn áp không cao nên dễ bị bỏ sót trong cộng đồng.

Nguyên nhân bị cườm nước (Glôcôm) góc đóng

Cũng theo BS. Nguyễn Trần Quốc Hoàng, Glôcôm góc đóng là nhóm bệnh Glôcôm có góc tiền phòng bị đóng ngay từ đầu gọi là nguyên phát, góc tiền phòng bị đóng sau chấn thương, phản ứng viêm,…thì gọi là thứ phát. Chúng ta hay gặp các nguyên nhân phổ biến như:

Nghẽn đồng tử: Là một tình trạng viêm làm dính bờ đồng tử lên mặt trước thủy tinh thể, chặn dòng thủy dịch từ hậu phòng ra tiền phòng. Khi đó, áp lực ở hậu phòng sẽ tăng lên và đẩy chân mống mắt áp sát vào vùng bè, trực tiếp làm đóng góc tiền phòng và gây tăng nhãn áp.

Nghẽn góc tiền phòng: Đây là dạng nghiêm trọng của Glôcôm. Mặc dù góc tiền phòng đóng do giãn nở đồng tử chỉ là đóng cơ năng nhưng nếu kéo dài sẽ chặn dòng thủy dịch thoát lưu qua vùng bè gây tăng nhãn áp. Tình trạng này cũng có thể bị thúc đẩy bởi các phản ứng viêm gây dính bít góc tiền phòng hoàn toàn (đóng thực thể) và không thể mở lại dù được can thiệp bằng thuốc, laser hay phẫu thuật.

Hội chứng mống mắt phẳng: Đây là tình trạng kích thước vùng nếp thể mi của người bệnh lớn hơn bình thường, khiến chân mống mắt xê dịch về phía trước và gây bít vùng lưới bè khi đồng tử giãn, từ đó làm tăng nhãn áp.

Glôcôm bẩm sinh: Dị tật góc tiền phòng là nguyên nhân bị cườm nước bẩm sinh. Góc tiền phòng bị khiếm khuyết bẩm sinh cấu trúc vùng lưới bè hoặc gây đóng góc sẽ làm chặn đường thoát của thủy dịch một phần hoặc hoàn toàn, làm cho nhãn áp tăng và gây hậu quả là giác mạc phình dãn to hơn bình thường, gọi là dấu hiệu “mắt trâu”. Tình trạng này chủ yếu là do di truyền và tiên lượng nặng….

Hầu hết dấu hiệu bệnh không rõ ràng

Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Viết Giáp - Giám đốc bệnh viện mắt tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hầu hết trường hợp mắt bị Glôcôm thường không có dấu hiệu cảnh báo sớm. Trong khi nếu không được chữa trị kịp thời, thị lực sẽ mất dần theo thời gian và cuối cùng dẫn đến mù vĩnh viễn.

{keywords}
 BS. chuyên khoa II Nguyễn Viết Giáp - Giám đốc bệnh viện mắt tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tại tọa đàm trực tuyến “Căn bệnh Glôcôm - Kẻ cắp thị lực thầm lặng”

Vì vậy, cách duy nhất để bảo vệ chính mình và người thân trước nguy cơ này là khám mắt định kỳ đầy đủ. Trong mỗi lần khám mắt, bác sĩ sẽ đo nhãn áp và kiểm tra xem dây thần kinh thị giác có bị tổn thương không, từ đó có thể phát hiện sớm để điều trị và phòng ngừa mất thị lực.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến khích người từ 40 tuổi trở lên nên đi khám mắt mỗi năm 1 lần. Nếu có người thân bị Glôcôm, tần suất khám mắt định kỳ nên là 6 tháng/lần. Với những trường hợp dưới 40 tuổi và không có vấn đề về mắt, thời gian khám mắt định kỳ thường là mỗi 1-2 năm.

Độc giả có thể xem lại buổi tọa đàm tại: https://www.facebook.com/hellobacsi/videos/1099830624204506/

Doãn Phong