Vào ngày mở cửa, du khách lần đầu tiên sẽ được tham quan không gian bên trong tháp nước nổi tiếng thủ đô. Nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và cộng sự đã tạo ra hai hệ sắp đặt bên trong toà tháp là hệ âm thanh và hệ ánh sáng.

W-m10p2497-2.jpg
W-m10p2561-2.jpg

Hệ sắp đặt âm thanh tái hiện âm thanh của nước trong tự nhiên và hệ sắp đặt ánh sáng lại mở rộng thị giác về hình ảnh hiện vật được tái chế từ rác thải đô thị.

W-m10p2635-2.jpg

Khi khảo sát để thiết kế, các tác giả đã nhận định tháp nước Hàng Đậu cấu thành từ những khối hình trụ gồm các bức tường vòm, tạo nên hướng đi vòng tròn vô cùng độc đáo. Tận dụng đặc điểm này, nhóm tác giả đã biến nơi đây thành cuộc dạo chơi đầy thú vị với những khoảng không gian sáng và tối, khoảng đặc và rỗng, để mỗi lần đi qua mỗi ô vòm của tháp, người tham quan lại nhận ra những cảm xúc và sự bất ngờ khác nhau.

W-m10p2587-2.jpg

Để không làm ảnh hưởng đến cấu trúc của di sản, các tác giả đã tạo ra con đường bằng gỗ tái chế, có thể nhấc ra dễ dàng, không cần bắt vít.

W-m10p2581-2.jpg

Theo hoạ sỹ Nguyễn Đức Phương, triển lãm lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông. Lục thủy tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm, và nước biển. 

W-m10p2589-2.jpg

Những chiếc chum được đặt ở các khoang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hệ âm thanh sống động. Nhóm tác giả đã sử dụng hệ thống bơm nước nhỏ giọt xuống từng chiếc chum, thông qua điều chỉnh tần số nước, tốc độ rơi của giọt nước, sẽ tạo ra những âm thanh khác nhau, đem đến màn trình diễn về âm thanh sống động cho người tham quan.

W-m10p2535-2.jpg

Nhóm tác giả đã phải thử nghiệm rất nhiều tần số của những giọt nước đồng thời điều chỉnh liên tục từng nấc cao độ nhằm chọn ra đúng âm thanh mang tần số chữa lành, xoa dịu cảm xúc con người theo tâm lý học. Việc lựa chọn loại mic, loa để phát tiếng nước tự nhiên nhất cũng thử thách những nhà sáng tạo và đơn vị thi công.

W-m10p2634-2.jpg

Những tác phẩm nghệ thuật với mảng màu loang lổ được làm từ nylon tái chế - thứ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước, được sắp xếp sống động và đầy bay bổng trong lòng tháp. Thông qua các tác phẩm này, nhóm sáng tạo mong muốn đưa đến công chúng một thực tại về vấn đề nguồn nước đô thị.

W-m10p2537-2.jpg

Những tác phẩm không có hình cụ thể, mà tuỳ theo trí tưởng tượng của khách tham quan. Có thể là hình lá sen, cũng có thể là giọt nước. 

W-m10p2557-1.jpg
W-m10p2639-2.jpg

Với tâm huyết của đội ngũ thiết kế, 6 khoảng trưng bày của triển lãm “Sắp đặt Nước & Di sản tháp nước Hàng Đậu” chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị với du khách, qua đó kiến tạo sự kết nối xã hội đô thị và thế giới tự nhiên thông qua hình ảnh nước. Nghệ thuật trưng bày sắp đặt tại tháp nước Hàng Đậu nằm trong khuôn khổ lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 (từ ngày 17/11 đến 31/12) do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chủ trì.

W-m10p2543-2.jpg
W-m10p2674-2.jpg