Tại khu chợ Nhật Tảo, ngoài các cửa hàng kinh doanh đồ điện tử, thiết bị âm thanh còn có những gian hàng nhỏ “cơ động” bày bán ngay trên vỉa hè dọc theo đường Lý Nam Đế, Tân Phước, Vĩnh Viễn, Lý Thường Kiệt… (Quận 10, TP.HCM). Hằng ngày, các ‘con buôn’ quy tụ về đây bán từ sáng tới chiều tối, khoảng 11-12 giờ trưa trở đi khách đến xem mua rất nhiều. 

Chợ bày dọc các vỉa hè khu vực đường Lý Thường Kiệt (Quận 10, TP.HCM). 

Nhiều người bán có thâm niên lâu năm nhưng không rõ khu chợ này có từ bao giờ, chỉ biết là chợ tự phát và nổi tiếng ở TP.HCM về các mặt hàng linh kiện điện tử, đồ ve chai, hàng cũ và đồ sưu tầm. 

Đồ điện tử được bán xen lẫn với đủ loại hàng khác...

Ở đây gần như cái gì cũng có, từ những đồ nho nhỏ như đồng hồ, tiền xu, thẻ nhớ, sạc điện thoại, linh kiện điện tử… đến những món to như máy lạnh, tivi, máy tính, quạt máy… Đồ điện tử được bán xen lẫn với đủ loại hàng khác như thắt lưng, kính mát, radio cũ, nước hoa… Có món mua để dùng, cũng có món mua ngắm hoặc sưu tầm tùy nhu cầu mỗi người. Tuy nhiên, giá cả nhìn chung rất rẻ tùy theo độ mới-cũ, độ hiếm của món hàng, nếu biết cách trả giá có thể mua được món hời.

Chị Thảo - người bán hàng hơn 7 năm tại chợ Nhật Tảo cho biết: “Khách có thể tự tin trả giá thoải mái mà không sợ bị chửi vì hàng ở đây thu vào theo giá cân ký ve chai nhưng lại bán lẻ từng món, nếu có lời được một ít là bán ngay vì cũng sợ khách bỏ đi qua hàng khác mua rẻ hơn. Người có nhiều kinh nghiệm sẽ trả giá rất sát vì họ biết rõ về món đồ hoặc tham khảo giá ở những gian hàng khác”.

Quầy hàng của chị Thảo tấp nập khách đến mua dụng cụ sửa chữa. 

Hàng hóa được thu mua từ nguồn ve chai hoặc trao đổi. Sau đó, người bán có thể sửa lại hoặc phân loại hàng nào còn dùng được, loại nào sẽ “rã xác” lấy linh kiện bán cho thợ. Khách mua chủ yếu là sinh viên ngành điện tử, thợ sửa chữa, đôi khi có cả những người sưu tầm đồ cổ. 

Dân chuyên cho biết, các món đồ bán ở chợ trời Nhật Tảo sẽ được phân ra làm hai loại “sống” và “mù”. Hàng “sống” là các sản phẩm đã được người bán kiểm tra, sửa chữa và còn dùng được, giá có thể cao hơn. Còn loại hàng “mù” tức là cả người bán và người mua đều không biết còn dùng được không vì có thể đó là loại hàng hiếm không sửa được vì thiếu đồ nghề hoặc đơn giản là chưa có thời gian phân loại, cứ đổ đống rồi bán cho nhanh, giá rẻ bèo. Mua hàng “mù” dựa vào hên xui và kinh nghiệm, nếu may mắn còn dùng được sẽ có lời.

Linh kiện điện tử, đồng hồ, điện thoại, đồ cũ, hàng sưu tập đều có thể tìm thấy ở chợ Nhật Tảo.

Ông Đoàn Gia Minh (Quận 3, TP.HCM) là khách quen ở chợ Nhật Tảo chia sẻ rằng, tuần nào cũng đến mua 1-2 lần, đôi khi cuối tuần đi dạo chọn mua mất cả buổi, đi chợ này là phải có chút kiến thức về đồ điện tử, biết rõ về giá sẽ không bị hớ. Nếu muốn chắc ăn khi mua sạc, cáp sạc, tai nghe, thẻ nhớ thì thử ngay bằng điện thoại; còn mua chuột, bàn phím nên có laptop kiểm tra. Ngoài ra, ông còn mang theo các vật dụng như bút thử điện, máy đo điện trở, kính lúp để tiện kiểm tra hàng ngay tại chỗ.

Bài và ảnh: Tấn An