Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, cho biết, trên địa bàn tỉnh Bến Tre hàng ngày phát sinh khoảng 1.000 tấn rác thải. Rác thải phần lớn được thu gom về bãi rác tạm hoặc được chôn lấp và xử lý bằng chế phẩm sinh học, nhằm hạn chế mùi hôi, tăng tốc độ phân hủy. Tuy nhiên, phương pháp xử lý cũ hiện không phát huy hiệu quả, ngày càng phát sinh ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

anh bai 2.jpg
Do nguồn lực còn hạn chế nên việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của Bến Tre chưa đủ năng lực để giải quyết. 

Toàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy xử lý rác thải Bến Tre có lò đốt rác, tuy nhiên, từ tháng 10/2022 nhà máy đã ngưng hoạt động để tái cơ cấu. 

Trước thực trạng trên, đòi hỏi cần phải đặc biệt quan tâm đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại, tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao, nhằm giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã ban hành các văn bản, kế hoạch về quản lý chất thải rắn nói chung và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chưa đủ năng lực để giải quyết vấn đề về thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn. Chính vì thế, việc thu gom chưa hiệu quả và không bền vững.

Trước tình hình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bến Tre đã đặt ra nhiều giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng để phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt trên 95%, tại khu vực nông thôn đạt 80%, tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%.

Theo đó, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý CTRSH phù hợp với tình hình phát triển của địa phương và quy định của pháp luật; tăng nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý CTRSH; xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại khu vực thành thị và nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh, từng bước khắc phục các vấn đề về ô nhiễm, suy thoái môi trường do chất thải rắn gây ra; đồng thời, tăng cường khả năng phân loại, tái chế, tái sử dụng và ủ phân compost nhằm giảm tối đa lượng rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lắp trực tiếp dưới 30% đến năm 2025; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời các bãi chôn lấp rác tự phát; từng bước xóa bỏ các bãi rác cấp xã, bãi rác tạm thay vào đó là đầu tư xây dựng điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Trong đó, giải pháp trọng tâm là việc quy hoạch Khu liên hợp xử lý CTRSH cấp tỉnh. Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Bến Tre và đưa vào Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, định hướng năm 2050.

Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2030, tỉnh Bến Tre ưu tiên triển khai xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành với diện tích hơn 20ha phục vụ xử lý rác cho 6 huyện và TP Bến Tre; xem xét mở rộng diện tích bãi rác tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam làm phương án dự phòng cho rác thải của tỉnh và khu xử lý bùn thải; đẩy nhanh tiến độ mời gọi đầu tư Nhà máy xử lý rác tại 3 huyện ven biển Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri đảm bảo xử lý rác phát sinh trên địa bàn các huyện này. 

Đến năm 2050, tiếp tục đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn có diện tích khoảng 20ha tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri với định hướng xử lý rác thải cho vùng kinh tế biển theo chủ trương phát triển kinh tế về hướng Đông của tỉnh.

Mạnh Hưng và nhóm PV, BTV