Công trình thay thế tượng bà mẹ Bến Tre và nhóm tượng nhân dân Bến Tre đã bị xuống cấp sau 27 năm sử dụng.
Công trình gồm tượng bà mẹ Bến Tre cao 7,3 m, với tư thế tiến lên, tay cầm ngọn đuốc lá dừa giơ cao soi đường, tay vẫy về phía sau như phát hiệu lệnh tiến lên; nhóm cụm tượng nhân dân Bến Tre cao 4,5 m thể hiện các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến.
Tượng được đặt trên nền là một hồ nước lớn hình tròn có đường kính 30 m. Trên hồ nước là ba mảng bê tông được bố cục hình xoáy trên ốc đồng tâm, tượng trưng cho ba cù lao Bảo, Minh và An Hóa của tỉnh Bến Tre. Tổng kinh phí đầu tư, xây dựng hơn 18 tỷ đồng.
Tượng "Mẹ Bến Tre" và cụm tượng "Nhân dân Bến Tre" mới được chuyển sang chất liệu đá granite, giữ nguyên thiết kế và kích thước ban đầu. Hình tượng Mẹ Bến Tre của Đội quân tóc dài anh hùng được lấy làm tượng chính trong quần thể tượng đài Đồng Khởi cao 7,3m. Nhóm tượng 5 người cao 4,5m thể hiện nội dung các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Công trình được thi công trong 375 ngày từ ngày 17/1/2022 đến 19/4/2023.
Tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười khẳng định phong trào Đồng Khởi năm 1960 ở Bến Tre đã trở thành bước ngoặt của cách mạng miền Nam, là nét son chói lọi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đồng Khởi Bến Tre đã đi vào lịch sử dân tộc như ngọn cờ đầu của cao trào cách mạng miền Nam.
Từ chiếc nôi Đồng Khởi, "Đội quân tóc dài" ra đời, phát triển lan rộng toàn miền Nam, nâng phong trào đấu tranh của phụ nữ lên tầm cao mới và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam.
Năm 1995, công trình Tượng đài Đồng Khởi được khánh thành. Hơn 27 năm qua, hình tượng người Mẹ xứ dừa hiên ngang trong bão đạn chiến tranh cũng như hình ảnh các nhân vật đại diện cho tinh thần đoàn kết của nhân dân Bến Tre đã đi vào tiềm thức và là niềm tự hào của những người con quê hương Đồng Khởi.