Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của Bộ TT&TT có nhiều ý kiến đề nghị Bộ TT&TT cần tiếp tục mở rộng hệ thống đài truyền thanh cơ sở (trong Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đọan 2012 - 2015).

Ông  Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Bến Tre cho biết, tại các đô thị Bến Tre, kể cả thị trấn huyện có quá nhiều quá nhiều kênh thông tin như báo chí, truyền hình, Internet, do đó kênh truyền thông trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở đôi khi làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của người dân khiến nhiều người rất khó chịu và đã kiến nghị tới cơ quan chính quyền về vấn đề này.

Do đó, ông Thanh kiến nghị, chỉ nên đầu tư hệ thống đài truyền thanh ở các khu vực nông thôn và cần chọn thời gian phát tin cho phù hợp với nề nếp sinh hoạt của người dân ở từng khu vực. Còn tại các thành phố hay đô thị cần cân nhắc có nên tiếp tục xây dựng hệ thống đài truyền thanh không bởi nếu có thì cũng không cần thiết, vừa lãng phí vừa gây khó chịu cho người dân.

Cũng liên quan đến vấn đề đầu tư cho kênh truyền thông cơ sở, những tỉnh có nguồn ngân sách địa phương đối ứng đều làm tốt chương trình này và đề nghị triển khai tiếp trong những năm sau.  Ông Phan Quang Thao, Giám đốc Sở TT&TT Phú Thọ cho rằng, thông tin về cơ sở rất quan trọng, hiện tại số lượng báo chí và các kênh truyền thông đến cấp xã rất ít. Nhiều xã chỉ có kênh thông tin truyền hình, một số ít xã thì có  Internet, chỉ có các chi bộ xã phường có báo địa phương, còn người dân thì rất ít khi được tiếp cận với báo chí. Vậy câu hỏi làm thế nào để chuyển thông tin về cơ sở rất khó có câu trả lời.

Ông Thao cho rằng, đài truyền thanh cơ sở là kênh thông tin quan trọng đưa tin tức tới người dân ở cấp xã. Tại Phú Thọ, trong thời gian qua, trên cơ sở nguồn kinh phí được Chương trình mục tiêu quốc gia cấp, Phú Thọ đã kết hợp với ngân sách địa phương chi gấp đôi để nâng cấp mở rộng hệ thống truyền thanh cơ sở.

“Cần tiếp tục triển khai đưa thông tin về cơ sở trong thời gian tới, vì đây là kênh thông tin hữu ích nhất với người dân nông thôn’, ông Thao kiến nghị.

Tại Thái Nguyên, ông Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên cũng cho biết, trong năm 2014 Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đã đưa thông tin về 18 xã và dự  kiến từ nay đến cuối năm sẽ triển khai thêm 8 xã. Tại Thái Nguyên, ngân sách địa phương đối ứng 50% nên việc triển khai khá thuận lợi. Ông Thạnh kiến nghị, đây là chương trình rất tốt cần triển khai tiếp tục để các tỉnh có nhiều xã khó khăn như Thái Nguyên đạt được mục tiêu 100% số xã có hệ thống truyền thanh cơ sở.  

Ông Trần Duy Bình, Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa cũng cho biết, hệ thống đài truyền thanh cơ sở có hiệu quả rất tốt. Năm 2014, ngân sách trung ương cấp cấp 1,5 tỷ đồng, tỉnh Thanh Hóa đối ứng thêm 3,5 tỷ đồng để triển khai rất hiệu quả. Thanh Hóa là một tỉnh có địa bàn rộng có hơn 600 xã. Ông Bình kiến nghị, hệ thống đài truyền thanh cơ sở cần được tiếp tục triển khai để phủ kín tới toàn bộ số xã vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh thì việc triển khai và vận hành hệ thống đài truyền thanh cơ sở đang gặp phải một số khó khăn. Ông Mai Quốc Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh kiến nghị, hệ thống truyền thanh cơ sở đang tồn tại nhưng chưa có hướng dẫn để có cơ chế duy trì hoạt động của hệ thống này. Hiện mới chỉ có thông tư liên tịch của Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ hướng dẫn chế độ chính sách cho đài truyền thanh cấp tỉnh, cho nên đây là một khó khăn khi triển khai.

Tại Gia Lai, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Gia Lai cho biết,  Gia Lai mới chỉ khoảng 50% số xã có trạm truyền thanh không dây cấp xã, nhưng do tỉnh không có nguồn vốn đối ứng nên không thể đầu tư triển khai tiếp.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son kiến nghị Chính phủ xem xét, có thể sắp tới chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không được đưa vào Chương trình mục tiêu Quốc gia nhưng Chính phủ có thể duy trì ở mức độ hẹp hơn để chương trình tiếp tục được triển khai.

Nội dung Dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (giai đoạn 2012 – 2015) 

Đầu tư thiết lập mới, nâng cấp ít nhất 1.370 đài truyền thanh xã tại địa bàn thuộc phạm vi Chương trình;

+ Nâng cấp ít nhất 340 đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh, truyền hình để xóa vùng trắng, vùng lõm sóng phát thanh, truyền hình và đảm bảo chất lượng tín hiệu sóng phát thanh, truyền hình;

+ Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang bị phương tiện tác nghiệp cho hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở (bao gồm các cơ sở trại giam, trường giáo dưỡng);

+ Hỗ trợ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe - xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng của các thôn, bản xa trung tâm xã thuộc địa bàn các huyện nghèo và các đồn, trạm biên phòng.

- Kinh phí thực hiện: 1.111 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn:

+ Ngân sách trung ương: 680 tỷ đồng;

+ Ngân sách địa phương: 326 tỷ đồng;

+ Huy động hợp pháp khác: 105 tỷ đồng.