Hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, việc triển khai thực hiện DVCTT trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người và doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện DVCTT được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ tỉnh đến cơ sở. Nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện TTHC, cung cấp DVCTT có nhiều chuyển biến tích cực. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC ngày càng tăng cao.
Tỉnh đã cung cấp 100% DVCTT (đối với các TTHC đủ điều kiện). Cụ thể đã triển khai cung cấp 1.542/1.868 DVCTT (1.036 DVCTT toàn trình và 506 DVCTT một phần) đạt 82,5%, đã tích hợp được 1.385/1.542 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 89,8%. Từ ngày 1-1-2024 đến 18-12-2024, toàn tỉnh có 860/1.542 DVCTT có phát sinh hồ sơ, tổng số hồ sơ của các DVCTT được tiếp nhận và giải quyết trên môi trường điện tử là 253.529 hồ sơ.
Tổng số TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính cấu hình trên Cổng dịch vụ công quốc gia: 410/482 TTHC, đạt 85%. Tổng số DVCTT có yêu cầu nghĩa vụ tài chính phát sinh hồ sơ là 309/482 DVCTT (đạt 64%), trong đó DVCTT có giao dịch thanh toán trực tuyến là 183 (đạt 59,2%), DVCTT thanh toán trực tiếp và hình thức khác là 126 (chiếm 40,8%). Tổng số hồ sơ thanh toán trực tuyến 95.345/219.856 hồ sơ, đạt 43,4%.
Bên cạnh kết quả đạt được còn một số hạn chế, khó khăn đang gặp phải là hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ và mạnh; khả năng tiếp cận của người dân chưa cao; thiếu sự hỗ trợ, hướng dẫn người dân; tỷ lệ sử dụng DVCTT còn thấp (vấn đề bảo mật và an toàn thông tin)…
Để thực hiện thành công chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh, các ngành, các cấp cần quyết liệt tập trung các giải pháp sau đây:
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu trong chỉ đạo và tổ chức thực về cung cấp và sử dụng DVCTT; lấy kết quả thực hiện TTHC, cung cấp DVCTT là một trong các tiêu chí đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Xác định việc cung cấp DVCTT là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ.
Thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa, kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh thêm quy trình thực hiện TTHC; chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo.
Tập trung nâng cao chất lượng DVCTT bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thuận tiện, thân thiện với người dùng; thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC để rút ngắn quy trình thực hiện, đơn giản hóa thành phần hồ sơ; triển khai tốt các nội dung giúp người dân không phải nộp lại thành phần hồ sơ trực tuyến khi đã có lần nộp cho cơ quan nhà nước, hoặc cơ quan nhà nước đã có sẵn dữ liệu và chia sẻ cho nhau...
Đầu tư, nâng cấp phát triển vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số đáp ứng nhu cầu cung cấp và sử dụng DVCTT. Đầu tư, phát triển hạ tầng mạng, kết nối Internet đảm bảo việc cung cấp Internet tốc độ cao và ổn định đến mọi khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, để người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng DVCTT một cách hiệu quả.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số sử dụng DVCTT cho người dân trực tiếp thông qua các hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà; thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, đào tạo người dân, doanh nghiệp về các lợi ích của DVCTT và cách sử dụng DVCTT, giúp họ cảm thấy tự tin hơn trong việc sử dụng. Tạo ra các cơ chế khuyến khích, như giảm chi phí, ưu đãi về thời gian xử lý hồ sơ, hay những chính sách hỗ trợ khác cho những người sử dụng DVCTT.
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động để nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT; ban hành văn bản giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đến từng cá nhân, tổ chức và đặc biệt người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu liên quan đến tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.