Thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, cho rằng, thế hệ học trò được mã hóa bằng từ "Gen Z" có những nét riêng biệt so với các thế hệ học trò đi trước. Đầu tiên, do lớn lên trong sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội, hay thiết bị di động nên thế hệ học sinh này có ưu thế vượt trội trong việc sử dụng công nghệ trong học tập.
Học sinh ngày nay có thể tiếp cận với nhiều luồng thông tin trên mạng xã hội, nhiều kiến thức mới nằm ngoài phạm vi kiến thức của thầy cô nên các em có cơ hội so sánh, phản biện để tìm ra điều đúng đắn.
Điều thầy Du đánh giá cao học trò ngày nay chính là sự tự tin, dám nghĩ, dám làm. Thế hệ các em coi thế giới không phải là một cái gì đó xa xôi mà nằm trong chính bàn tay của mình. Nhưng sự tiếp cận với môi trường công nghệ và thế giới ảo cũng là nhược điểm lớn nhất của học trò ngày nay, nhất là về kỹ năng sống.
Có những kỹ năng sống rất cơ bản như phép ứng xử trong phạm vi cộng đồng, kỹ năng mềm như cách xử lí những tình huống nguy hiểm, tự chăm sóc bản thân... hầu như không được học trò quan tâm.
Ngoài ra, học trò ngày nay có thái độ sống tích cực do họ có sự tự tin được hỗ trợ từ sự bùng nổ của xu thế toàn cầu hóa.
Những vấn đề mà thế hệ cha anh đi trước phải đối đầu như sự khác biệt tâm sinh lý, LGBT hay phân biệt chủng tộc… đều đã được giải quyết hoặc đặt nền tảng cho sự giải quyết nên các em luôn có ý thức sống tích cực và hướng tới việc thụ hưởng thành quả của các cuộc cách mạng xã hội.
Nhưng sự lên ngôi của các thiết bị công nghệ cá nhân cũng khiến cho các giá trị truyền thống về gia đình, bạn bè cũng thay đổi. Các em đề cao cái tôi và cũng dần ích kỷ hơn. Các em rút lui vào thế giới của riêng mình được bao bọc bởi hệ thống công nghệ.
Các em quen bày tỏ tình cảm qua cái icon nên khi cần bày tỏ tình cảm trong thế giới thật thì cảm thấy khó chịu. Đó là điều làm cho các thầy cô lo lắng, bởi các thầy cô hiểu rõ họ luôn thất thế trong cuộc đua tiếp cận công nghệ.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM cũng cho rằng, giới trẻ hiện nay sống cô đơn, ích kỷ, hay buồn, chóng chán, dễ bị tổn thương và một phần trách nhiệm đó có vai trò dạy dỗ của nhà trường.
"Học sinh ngày nay thiếu kỹ năng sống, thiếu quan tâm đến gia đình, người thân. Thái độ sống của các em rất phức tạp, hay chạy theo xu hướng, không tự giác trong học hành. Nhìn chung, tuổi trẻ hôm nay sống cô đơn, ích kỷ, hay buồn, chóng chán, dễ bị tổn thương. Tôi đánh giá cao những học sinh ở các trung tâm thành phố lớn, giỏi ngoại ngữ và sử dụng tốt công nghệ, nhưng mặt khác, các em cũng biết làm đẹp bản thân, sống "ảo"."- ông Phú nói.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, nhưng theo ông Phú có những nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, các gia đình khá ít con, học sinh được cha mẹ cưng chiều nên cái tôi lớn dần. Các em chỉ biết hưởng thụ và hay lười lao động. Tính ích kỷ dần được hình thành từ nhỏ, nên các em ít quan tâm đến cộng đồng.
Thứ hai, các em sử dụng smartphone nhiều nên thế giới thu nhỏ trong bàn tay, dù biết nhiều nhưng thực tế chẳng là bao, dần trở nên vô cảm.
Thứ ba, đời sống kinh tế làm cho người lớn quay cuồng, cha mẹ ít có thời gian tâm sự, chia sẻ, dạy dỗ con cái. Các em trưởng thành vay mượn tình thương của bạn, của các nhân vật trong game, thiếu giao tiếp trực tiếp ngoài đời nên các kỹ năng sống rất vụng về.
Thứ tư, phim ảnh, thời trang, thần tượng đã làm nhiều trẻ bị lệch chuẩn. Các em sống bon chen, đua đòi, hời hợt, dẫn đến thiếu kỹ năng giao tiếp.
Thứ năm, việc người lớn ly hôn ảnh hưởng rất lớn với trẻ. Quá trình trưởng thành khiếm khuyết tình thương của cha hoặc mẹ, chưa kể việc "mẹ cặp trai trẻ, bố cặp gái tơ" cũng làm cho một số trẻ em có nhận thức không tốt trong tình cảm gia đình và chính tình yêu của các em.
Thứ sáu là áp lực học hành như điểm số, phương pháp dạy của giáo viên tác động rất lớn đến nhận thức, hành vi của trẻ.
Ông Phú nhìn nhận, với những đặc điểm của tuổi trẻ hôm nay, vai trò của nhà trường rất quan trọng. Nhà trường cần thay đổi phương pháp dạy và cách đánh giá. Thầy cô tổ chức hoạt động giáo dục để hình thành các kỹ năng cho trò, thay đổi cách đánh giá để ghi nhận sự cầu tiến của trò.
Bên cạnh đó, nhà trường, thầy cô cần tăng cường dạy đạo đức cho học sinh như đạo làm người, đạo thờ cha kính mẹ, dạy các luật, dạy cách đối nhân xử thế; Tổ chức công tác thiện nguyện, tổ chức các hoạt động tham quan ngoại khóa, các sự kiện phù hợp với tâm sinh lý của học sinh; Tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng số, nghệ thuật, mỹ thuật...; Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao: đá banh, kéo co, bóng rổ, bóng chuyền... để hình thành kỹ năng hợp tác, đoàn kết, chia sẻ... Đó sẽ là hành trang vào đời của các em, bên cạnh kiến thức được học từ sách vở.
Còn theo thầy Đăng Du, nếu học sinh không mở lòng, giáo viên không thể cạnh tranh với một thế giới ảo siêu việt để giúp học trò vượt qua các vấn đề tâm sinh lý mà bất cứ học sinh ở thế hệ nào cũng gặp phải.
Trong quá trình dạy học cho thế hệ gen Z, thầy cô luôn là người thất thế khi sự thay đổi về công nghệ và phương pháp giảng dạy thay đổi không tính bằng ngày mà bằng giờ.
Họ còn phải chịu áp lực của thế hệ phụ huynh đang ngày càng trẻ hóa, thông minh hơn và đòi hỏi nhiều hơn. Nhưng có một đều không thay đổi, đó là tinh thần trách nhiệm và tình thương đối với học trò, những điều mà không có bất kỳ công nghệ nào có thể thay thế được.
Đây là động lực khiến cho các thầy cô có thể thay đổi chính bản thân mình để hoàn thành sứ mệnh giáo dục.