Trong một thời kì tiền thì lắm nhưng kịch bản tốt thì khan hiếm như hiện nay, phong trào thực hiện các phần tiền truyện, hậu truyện, ngoại truyện, làm lại (remake)… dường như chính là giải pháp tốt nhất cho các “ông lớn” nơi Hollywood.

Chỉ tính riêng trong đầu năm 2017, chúng ta đã được chứng kiến sự trở lại rùm beng của những gương mặt vang bóng một thời như Underworld, xXx, Resident Evil và sắp tới sẽ là Beauty and the Beast – bộ phim “nối dõi” cho dự án làm sống dậy những cái tên cổ tích của nhà Disney. Với số vốn đầu tư cả về sản xuất lẫn quảng bá đã vượt mức 300 triệu đô, Beauty and the Beast thực sự đã ngoi lên trở thành một trong những canh bạc mạo hiểm nhất của Nhà Chuột cho tới giờ. Vậy, chúng ta có quyền kì vọng gì trong một bộ phim như thế?

“Beauty and the Beast” phiên bản 1991

Trở về năm 1991, cái tên Beauty and the Beast đã vụt sáng trở thành một hiện tượng điện ảnh khi là bộ phim hoạt hình đầu tiên được Oscars vinh danh đề cử cho hạng mục Phim Xuất Sắc Nhất. Thành công ấy đã giúp Disney đút túi số tiền lên tới 425 triệu đô chỉ với số vốn bé nhỏ (?) là 25 triệu đô, biến Beauty and the Beast thành một thương hiệu hái ra tiền và Belle chính thức trở thành hình tượng người gái đảm mà mọi chàng trai (hay cô gái) tuổi mới lớn đều khao khát.

Mọi ánh mắt đổ dồn về Disney vào năm 2014 khi họ công bố dự án người thật của bộ phim, với sự tham gia của gương mặt thân quen Emma Watson và kinh phí thì lên tới trời. Mang danh bom tấn, diễn viên toàn sao, là bản làm lại của một bộ phim đã quá nổi tiếng, nhiệm vụ của Beauty and the Beast 2017 đã được vạch rõ ngay từ khi còn nằm trong vòng ý tưởng: sử dụng sự hiện đại và tân tiến của điện ảnh để làm sống dậy những nhân vật cũ theo một phương pháp mới, nhưng cũng phải giữ lấy và trân trọng những nét chính vốn đã in sâu vào thương hiệu phim.

Không nói về vấn đề kĩ xảo hay phục trang vì với kinh phí 300 triệu đô, có biến Quái Thú thành King Kong cũng vẫn đảm bảo là rất đẹp. Điều người xem quan ngại nhất khi bước vào rạp chiếu, chính là nội dung của bộ phim. Maleficent đã tát bôm bốp vào mặt khá nhiều fan hâm mộ khi họ phát hiện ra Aurora chỉ là nữ phụ cho một câu chuyện tình đầy hỉ nộ ái ố của Angelina Jolie, còn Cinderella thì khiến người xem chưng hửng khi ra về bởi mức độ nhạt nước lã còn thua.

Beauty and the Beast không nhất thiết phải đi theo phong cách “chuyện chưa kể”, nhưng cũng đừng ngã sấp mặt vào vũng lầy của sự tẻ nhạt chỉ vì quá nhút nhát mà không dám phá bỏ một vài ranh giới. Chúng ta bỏ tiền ra để có một trải nghiệm điện ảnh mới mẻ nhưng cũng đầy hoài niệm, chứ không phải để ngắm một màn kịch “diễn lại” của bộ phim hoạt hình ngày xưa.

Nói đến việc diễn xuất, thì Emma Watson thực sự là một dấu hỏi lớn, là một nhân tố chông chênh và dễ dàng ăn gạch nhất của bộ phim. Bởi lẽ, trước giờ Emma chưa bao giờ được đánh giá cao với khả năng diễn xuất như đọc chính tả, cũng như việc cô không phải là ca sĩ trong khi Beauty and the Beast sẽ là một bộ phim nhạc kịch (tức là phải hát rất nhiều!). Mặc dù một số cảm nhận sớm của bộ phim đã chỉ ra rằng diễn xuất của Emma được xếp vào hàng “đủ dùng”, thì nỗi lo về việc bóng hồng này sẽ biến bộ phim trở thành Twilight 2.0 thực sự hiện hữu.

Trong quá trình quảng bá, nhà sản xuất cũng đã hé lộ một số thông tin bên lề của các nhân vật để tăng thêm chiều sâu cũng như để đẩy mạnh hạng mục “những điều mới mẻ” của phiên bản người thật, điển hình như việc tên hầu cận LeFou thực chất là người đồng tính.

Tuy nhiên, liệu việc xây dựng nhân vật này dựa trên hình mẫu như vậy sẽ đem lại một sự tác động và thay đổi mạnh đối với người xem, hay nó chỉ là một chi tiết ngoài lề, “thích thì để ý”, được tung hô rộn ràng trước khi chiếu với mục đích đơn giản là để quảng bá cho bộ phim?

Khi nhà sản xuất đã nói về điều này như thể họ đang thực hiện một bước đột phá trong ngành công nghiệp điện ảnh, thì chúng ta ít nhiều cũng hy vọng rằng bộ phim sẽ mang lại những đột phá trong việc công nhận sự hiện diện của người đồng tính.

Cặp đôi hát nhạc đám cưới hot nhất năm nay

Nhắc đến một bộ phim nhạc kịch mà quên nói đến nhạc thì quả là một tội ác. Khi ý định thực hiện Beauty and the Beast bản người đóng còn đang manh nha thành hình, Disney vốn định biến nó trở thành một bộ phim bình thường nhưng rồi sự thành công của Frozen đã thay đổi quyết định đó.

Giọng hát cao vút với những nốt ngân trập trùng như miền núi phía Tây Bắc của Paige O’Hara được thay bằng tông giọng bí ẩn (?) của Emma Watson khiến nhiều người không khỏi thấp thỏm lo âu, trong khi bài hát kinh điển “Beauty and the Beast” vốn được bà Angela Lansbury “xử đẹp” đã bị Ariana Grande cùng John Legend bóp méo thành một thứ giống như tiết mục karaoke được hát nhan nhản khắp các quán ăn phố đi bộ mỗi buổi chiều tà bóng xế.

Tôi không có chút kì vọng nào về việc Beauty and the Beast 2017 sẽ trở thành ngôi sao sáng giá của nền nghệ thuật thế giới hay bộ phim sẽ nhảy chân sáo lên được bảng đề cử Oscars, bởi lẽ hướng đi của bộ phim lần này có phần thị trường hơn, giải trí hơn, xoáy mạnh vào kĩ xảo và sự lỗng lẫy trong từng khung hình được chiếu trên màn ảnh.

Thế nhưng, hoàn toàn là có thể khi chúng ta mong chờ một Người đẹp và Quái vật tráng lệ nhưng cũng đầy hoài niệm, mới lạ mà cũng thật là thân quen, đẩy bật được những giá trị mới nhưng cũng không đánh rơi những điều vốn đã là máu thịt của một cái tên “vang bóng một thời”.

 

Wendy