Những ngày cuối năm, PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người vẫn luôn ấp ủ nghiên cứu nhân học biển và làm bảo tàng về biển - giới thiệu tôi cuốn “Bè tre Việt Nam du ký” của nhà thám hiểm Tim Severin. Cuốn sách do dịch giả Đỗ Thái Bình và Vũ Diệu Linh dịch.

{keywords}
Ông Lương Viết Lợi buồn bã nhìn lên tấm pano với hình ảnh thuỷ thủ đoàn được căng trên mảng tường cáu bẩn.

Tự hào, cảm phục là cảm giác khi đọc xong cuốn sách. Tự hào về chiếc bè mảng nhỏ bé của ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã chinh phục đại dương, tự hào hơn, trong đoàn thám hiểm vượt đại dương đó có ngư dân Lương Viết Lợi. Nhưng, sau những tự hào là nỗi buồn khi người Việt Nam duy nhất trong đoàn thám hiểm vượt đại dương năm nào đang phải chật vật vượt qua những khó khăn thường nhật.

Bè tre Sầm Sơn vượt đại dương

Năm 1993, Tim Severin - nhà khảo cổ, nhà thám hiểm người Anh cùng nhóm thám hiểm của mình đã đến Sầm Sơn, Thanh Hoá tìm hiểu và muốn thực hiện chuyến tham hiểm điên rồ: Dùng bè tre - một phương tiện đánh bắt cá gần bờ của ngư dân nơi đây để vượt đại dương tiến thẳng đến bên kia Thái Bình Dương, cập bến Califonia – Hoa Kỳ.

Khởi nguồn của ý tưởng điên rồ này xuất phát từ một giả thuyết mà Tim Severin nghiên cứu về lịch sử các cuộc thám hiểm tại ĐH Oxford.

{keywords}
Chiếc bè tre huyền thoại.

Ban đầu Tim cho là phi thực tế nhưng sau đó được sự khích lệ của giáo sư Joseph Needham của ĐH Cambridge - một nhà Đông phương học, Tim bắt đầu tìm hiểu và tin rằng có thể dùng bè tre - một loại phương tiện cổ xưa có thể đã vượt Thái Bình Dương. Sau nhiều nghiên cứu, Tim đã tìm đến Việt Nam - nơi ông cho rằng vẫn còn tồn tại chiếc bè có buồm kiểu cổ xưa.

Tháng 10.1991, Tim đã đến Hà Nội bắt đầu chuẩn bị cho chuyến thám hiểm. Ông được một người tên Trúc của Bộ Văn hoá thông tin Việt Nam hỗ trợ, làm hướng dẫn viên. 

Khi đến Sầm Sơn, Tim rất phấn khởi khi nhìn thấy hàng trăm chiếc mảng được ngư dân dùng đánh cá hàng ngày đang phơi bên bãi biển, đó chính là loại phương tiện Tim và các đồng nghiệp đang tìm. Tại đây, Tim hỏi ngư dân Sầm Sơn: “Các bác nghĩ thế nào về việc dùng một mảng tre lớn đi xuyên Thái Bình Dương?”. Họ đáp rằng: “Sao lại không?”. 

Sau khi trở về Anh nghiên cứu kết cấu của bè Sầm Sơn, Tim trở lại và bắt tay cùng người dân địa phương lên rừng đốn tre về kết bè. Tim cùng những ngư dân khoẻ mạnh Sầm Sơn đã lên huyện miền núi Quan Hoá (Thanh Hoá) đốn được 500 cây luồng, sau đó chọn được 320 cây to, chắc bào sạch vỏ, dùng vôi ngâm với lá xoan giã nhỏ nhằm chống mối mọt rồi tiến hành dựng bè với mục đích chinh phục Thái Bình Dương. 

Vào những ngày cuối cùng của công đoạn đóng bè, một anh thợ mộc địa phương khoảng 30 tuổi - người được giao đóng phần kết cấu chính của bè đến trước mặt nhà thám hiểm Tim Severin, vỗ ngực mình rồi chỉ ra phía đại dương bao la với ý muốn được tham gia chuyến du hành. Người đàn ông đó là Lương Viết Lợi, sinh ra và lớn lên ở phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, “có ba con và rất muốn tham gia chuyến du hành này dù anh chưa bao giờ đi xa hơn Hà Nội” - Tim viết. Trước sự quả quyết và kinh nghiệm dạn dày của anh ngư dân này, Tim đã đồng ý. Ông Lợi là người Việt Nam duy nhất trong chuyến thám hiểm sau đó. 

Ngày 16.3.1993, chiếc bè do những ngư dân Sầm Sơn đóng đã hoàn thành. Tim mặc áo dài đen, đội khăn đóng cùng ngư dân địa phương làm lễ hạ thuỷ cho chiếc bè có một không hai tại đền thờ thần Độc Cước.

{keywords}
Ông Lương Viết Lơi (bìa phải) và đoàn thám hiểm.

Để có thể phỏng theo đúng chiếc bè cổ xưa, Tim đã đưa bè ra Hạ Long nhờ một gia đình ở đây là ông Chính làm 3 cánh buồm theo lối cổ. Ngày 10.4.1993, chiếc bè hoàn chỉnh rời Việt Nam đến Hồng Kông để trang bị thêm các phương tiện, lương thực, nước uống để bắt đầu hành trình chinh phục Thái Bình Dương.

Ngày 17.5.1993, chiếc bè tre xứ Thanh cắm hai quốc kỳ của Việt Nam và Ireland, cùng các nhà thám hiểm giong buồm bắt đầu khởi hành từ Hong Kong vượt Thái Bình Dương hướng đến nước Mỹ. 

Trước giờ phút quan trọng này, Tim Severin, trưởng đoàn thám hiểm, hỏi ông Lợi: “Anh có dám vượt Thái Bình Dương cùng chúng tôi bằng bè luồng không?”. Ông Lợi trả lời ngay: “Các anh đi được thì người Việt chúng tôi cũng đi được!” - ông Lợi kể lại. “Chia tay người vợ trẻ và ba đứa con trai còn thơ dại (đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ mới 8 tháng tuổi), tôi bước lên chiếc bè tre cùng đoàn thám hiểm vượt Thái Bình Dương vào đúng mùa bão gió. Nơi quê nhà, ngày nào vợ tôi cũng cầu khấn tổ tiên phù hộ cho người chồng ưa mạo hiểm pha chút lãng tử thuận buồm xuôi gió” - ông Lợi nhớ lại.

Hành trình của ngư dân Lương Viết Lợi và đoàn thám hiểm vượt Thái Bình Dương diễn ra trong 6 tháng với muôn vàn gian khó, hiểm nguy. Chặng đường thứ nhất từ Hồng Kông đi Đài Loan, đoàn thám hiểm gặp 4 cơn bão. Ngày 30.5.1993, một cơn bão mạnh cấp 12 đã làm gãy cột buồm chính. Cả đoàn 5 người vật lộn với sóng gió, thay được một đoạn lại bị gãy nên quyết định ghép 3 cột làm một. Ngày 7.6.1993, bè đến Đài Loan nhưng không thể vào cảng Đài Loan vì mưa gió quá dữ dội, Tim và đoàn thám hiểm quyết định đi thẳng tới Nhật Bản.

Ngày 5.8.1993, đoàn thám hiểm thực hiện lộ trình thứ hai, bắt đầu từ Nhật, vượt Thái Bình Dương đi Mỹ. Đến ngày 29.9 thì đến hải phận của Mỹ. “Còn khoảng 1.000 dặm nữa là đến Califonia - đích cuối cùng của cuộc thám hiểm nhưng gặp gió đông, suốt 10 ngày bè đi giật lùi và không thể đi thêm được nữa” - ông Lợi nhớ lại.

Trưởng đoàn Tim Severin nhận được tin báo sẽ có một siêu bão sắp đổ bộ vào vùng biển nơi bè đang lênh đênh. Hơn nữa, sau hơn 5.500 dặm chống chọi với bão gió đại dương, nhiều điểm kết cấu của bè bị hư hại, nhiều thân luồng đã rời ra, các phụ tùng thay thế đã hết. Vì vậy, Tim quyết định dừng chuyến hành trình dù đã gần tới đích. Tuy nhiên, với Tim và đoàn thám hiểm, chuyến đi đã thành công bởi thành công là ở hành trình chứ không phải đích đến và chuyến đi đã chứng minh giả thuyết người châu Á cổ xưa hoàn toàn có thể dùng bè mảng để đến Mỹ.

Ngày 15.11.1993, Tim điện cho tàu Mỹ ra đưa đoàn vào đất liền nhưng phía Nhật không đồng ý. Người Nhật điện cho một tàu Nhật đang từ Mỹ trở về ghé qua đón cả đoàn lên tàu, chiếc bè để trôi lênh đênh trên biển.

Ngày 25.11.1993, đoàn thám hiểm về tới Nhật, kết thúc chuyến thám hiểm bằng bè tre đầu tiên và duy nhất cho đến ngày hôm nay.

Cuốn sách “Bè tre Việt Nam du ký” của Tim Severin đã mô tả khá chân thực, sống động những gian lao vất vả của đoàn thám hiểm. Theo đó, nhiều lần bè gặp cướp biển, bão tố giữa biển khơi mênh mông nhưng những con người gan dạ và chiếc bè tre huyền thoại đã vượt qua. Bản thân Tim cũng bị gãy 2 xương sườn vì bị cột buồm đập vào.

Trong cuốn sách, ngư dân Lương Viết Lợi được tái hiện là người dũng cảm, khoẻ manh, khéo léo. Thực tế, trong suốt hải trình, ông Lợi là người điều khiển chính con bè vì là người đi biển bằng bè từ nhỏ, ông hiểu hơn ai hết về chiếc bè tre truyền thống. Ban đầu còn bất đồng ngôn ngữ nhưng sau đó, ông Lợi được một người trong đoàn dạy tiếng Anh, ông dạy lại tiếng Việt, chỉ ít thời gian, ông có thể giao tiếp bình thường với đoàn.

Mong ước có một bè tre – càphê cho du khách

Về Việt Nam, ngư dân Lương Viết Lợi sống trong cảm giác tự hào, hạnh phúc vì đã cùng những người bạn quốc tế thực hiện chuyến hải trình có một không hai. Ông đã chứng minh được điều ông nói trước khi đi: Các bạn làm được thì người Việt Nam cũng làm được!

Rồi niềm vui ấy cũng không được lâu. Ông phải quay lại đối mặt với cuộc sống đời thường. Bi kịch bắt đầu từ đó. 6 tháng trước, ông Lợi chỉ là một ngư dân khoẻ mạnh, chân chất nhưng từ ngày trở về, ông là người hùng. Cả thị xã ai cũng biết ông. Báo chí, truyền thông viết nhiều về ông. 

Trong mắt mọi người, ông là huyền thoại. Nhưng huyền thoại thì cũng phải kiếm sống. Với 1.300 USD tiền lương được trả cho chuyến thám hiểm, ông Lợi tính mua một miếng đất nhưng không thành. Ông mua xe máy đi làm xe ôm nhưng bị tai nạn rồi bỏ.

{keywords}
Ông Lương Viết Lợi trao đổi với tác giả trong căn nhà tồi tàn, đằng sau là bản vẽ chiếc bè huyền thoại.

Năm 1996, Nina - cô hoạ sĩ trong đoàn thám hiểm quay trở lại thăm ông, thấy ông khó khăn đã đưa ông ra Hà Nội, nhờ Trúc - người phiên dịch giúp đỡ ông Lợi củng cố tiếng Anh với hy vọng ông sẽ kiếm được công việc.

“Ông Trúc không những không giúp tôi như đã hứa với Nina mà bắt tôi làm công trình xây dựng” - ông Lợi kể. Biết chuyện, Nina rất tức tối, đến đón ông Lợi từ trong lều của công nhân xây dựng lên khách sạn ở rồi đưa ông đi học tiếng Anh.

Với trí thông minh và quyết tâm, ông Lợi đã học hết chương trình B tiếng Anh và có thể trao đổi trôi chảy với người nước ngoài. Ông đi làm phiên dịch cho khách sạn ở Hà Nội từ năm 1996 đến 2002. Sau đó làm tiếp cho một công ty của Nhật đến năm 2006 thì về quê, làm bảo vệ cho một khách sạn gần nhà đến 2011, ông về nhà bế cháu. Ông có 4 con trai, 2 con đã xây dựng gia đình, có 5 cháu nội.

“Suốt 12 năm làm việc ở Hà Nội, ông có giúp được nhiều cho vợ con về kinh tế không?” - tôi hỏi. “Chả đáng bao nhiêu, vất vả chỉ đủ ăn thôi, nhà tôi vẫn nghèo” - ông nói. 

Sự nổi tiếng của ông theo thời gian ngày càng lan rộng hơn, nhiều báo đài tìm đến ông, các phương tiện truyền thông càng hiện đại thì ông càng nổi tiếng. Vậy nhưng cái sự nổi tiếng, trớ trêu thay lại tiếp tục làm hại ông. “Nổi tiếng nhưng gia cảnh vẫn nghèo, vợ cằn nhằn suốt, nhiều người còn dè bỉu, chê bai, khích bác. Có lần, chán quá, tôi đã định đi tu nhưng sư thầy bảo tôi chưa đủ duyên, còn nặng nợ lắm nên quay về” - ông Lợi chua xót.

“Từ khi về, chính quyền địa phương có quan tâm tới ông không, có phối hợp với ông nhằm quảng bá hình ảnh Sầm Sơn không?”. “Hầu như không, họ chỉ quan tâm đến tôi mỗi khi có khách nước ngoài đến thăm, họ cho người nói với tôi: Người ta có hỏi thì nói chính quyền thường xuyên quan tâm nhé. Nhưng tôi là ngư dân ăn sóng nói gió, tôi không nói dối được” - ông Lợi nói. 

4h chiều ngày 17.5.1993, tức là trước khi khởi hành chinh phục đại dương, trả lời phỏng vấn tại Hồng Kông, ông Lợi đã nói mong muốn của mình sau khi thực hiện xong chuyến thám hiểm là “mở một quán càphê phục vụ các bạn đến quê hương, đất nước tôi”.

Thực tế, ông Lợi đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng này nhưng không được. “Nhiều đời chủ tịch thị xã tiếp nhận đơn nhưng rồi quên đi, có ông Trịnh Huy Triều - nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn quan tâm, hứa sẽ giải quyết nhưng chưa làm được gì thì ông ấy chuyển công tác” - ông Lợi cho hay. 

Chuẩn bị bước sang tuổi 60, ông Lợi vẫn đau đáu mong có một quán càphê nhỏ dưới chân đền thờ Thần Độc Cước - chính nơi ngày trước đóng chiếc bè huyền thoại. Ở đó, ông cùng dân làng sẽ đóng một chiếc bè tre như xưa, sẽ được gặp du khách xa gần, đặc biệt bạn bè quốc tế để được nói tiếng Anh, được kể về chuyến thám hiểm huyền thoại, và mong một lần nữa đi bè ra Trường Sa, Hoàng Sa... 

Những mong ước của ông Lợi bị cắt ngang khi vợ chồng người con trai lịch kịch khênh lưới ra khỏi nhà chuẩn bị đi biển. Ông Lợi cùng tôi chạy ra đỡ bịch lưới nặng trịch lên xe máy. Quay lại, ông ngồi nhìn tấm pano to treo trên tường với hình ảnh những người bạn quốc tế đã cùng ông thực hiện chuyến đi huyền thoại và mô hình chiếc bè có một không hai rồi thở dài.

PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu - nhà nhân học hàng đầu Việt Nam tỏ ra khó hiểu khi tại sao tỉnh Thanh Hoá đang đầu tư phát triển mạnh du lịch biển mà không tạo điều kiện, hỗ trợ hay cũng có thể nói là “tận dụng” một huyền thoại sống như ông Lợi.

(Theo Lao Động)