Nguồn tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết nơi đây đã tiếp nhận cấp cứu một bé trai tên M. chuyển đến từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vào chiều qua (28/12).

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, bác sĩ xác định trẻ đã ngưng tim ngưng thở ngoại viện. Các bác sĩ nỗ lực tiến hành hồi sức hơn 30 phút nhưng không cứu được bé. 

Khai thác bệnh sử ghi nhận sáng cùng ngày, M. được cha mẹ đưa đến nhà cô giáo học. Trên đường, bé có ăn bánh. Khi đến nhà cô khoảng 3 phút, cô giáo phát hiện bé có biểu hiện tím tái và tay ôm cổ, một tay còn cầm bánh. Cô giáo lập tức đưa M. đi cấp cứu tại một phòng khám gần nhà. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết em M. cấp cứu vì hóc dị vật, tím, ngưng tim 30 phút. Thời điểm nhập viện, trẻ mê, môi tím, hạ thân nhiệt, chi mát, mạch và tim bằng 0, đồng tử giãn 5mm, phản xạ ánh sáng âm. Ê-kíp tiến hành đặt nội khí quản và gắp ra một khối dị vật đường thở, có hình thù giống như miếng thịt hoặc bánh vón cục.

di-vat-1.jpg
Dị vật đường thở được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai gắp ra. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn qua điện thoại với Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, làm thủ tục cho M. chuyển viện theo nguyện vọng của gia đình. Mặc dù được các bệnh viện nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ tử vong vào chiều cùng ngày.

Sáng nay (29/12), trường tiểu học nơi bé M. đang theo học đã có báo cáo nhanh đến Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Biên Hoà (Đồng Nai) về vụ việc. Theo báo cáo này, em M. ăn bánh bông lan khi được mẹ chở đến gửi trẻ tại nhà cô. Tại nhà giáo viên, bé không ăn gì.

Khoảng 3 phút sau, thấy bé có biểu hiện tím tái và tay ôm cổ, cô giáo đã sơ cứu và đưa trẻ đi cấp cứu. 

Cách sơ cứu cơ bản khi trẻ mắc dị vật đường thởTrẻ nhỏ với bản tính tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng để khám phá nên dễ bị mắc dị vật đường thở. Đây là tai nạn nguy hiểm bởi có thể cướp đi sinh mạng của trẻ chỉ trong vài phút.