CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) do nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ tịch vừa công bố dự thảo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/6 tới. Trong đó có 2 nội dung quan trọng là thoái vốn/bán tài sản ở một loạt các dự án và tiếp tục đầu tư vào các dự án công nghệ cao tại Mỹ.

Cụ thể, ITA tính thoái toàn bộ vốn tại dự án Khu thương mại-dịch vụ-nghĩ dưỡng tại Bãi Sao - Phú Quốc, thoái toàn bộ vốn tại CTCP Sài Gòn Đà Lạt, CTCP Phim trường Vina, Dự án Đô thị Tân Tạo và bán 4,6 ha đất khu An Khang thuộc Khu đô thị Ecity Tân Đức.

Itaco tiếp tục đầu tư ủy thác khoảng 8 triệu USD vào các Dự án công nghệ cao tại Hoa Kỳ (mức vốn đăng ký khoảng 10 triệu USD).

Những dự định thoái vốn, bán tài sản của ITA diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong hơn nửa thập kỷ qua, liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như vấn đề nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp.

Cho tới thời điểm hiện tại, bà Đặng Thị Hoàng Yến (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) vẫn là chủ tịch ITA nhưng mất tích bí ẩn và không xuất hiện trong 5 đại hội cổ đông liên tiếp của doanh nghiệp này. 

{keywords}
ITA của bà Đặng Thị Hoàng Yến tính thoái vốn/bán tài sản ở một loạt dự án và đầu tư vào Mỹ.

Năm năm liên tục, ông Đặng Thành Tâm (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) thế vai người chị trong khi các giấy tờ đều do bà Yến ký. Trong ĐHCĐ sắp tới, nhiều nhà đầu tư nghi ngờ và khả năng xuất hiện trở lại của bà Yến.

Tập đoàn Tân Tạo nổi tiếng với hàng loạt khu công nghiệp tại Việt Nam và các siêu dự án hàng tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều dự án đang gặp vướng mắc, trong đó có dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 có công suất 1.200 MW, tại Kiên Giang với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 (280ha) được giao để đầu tư từ năm 2008 nhưng cho đến nay vẫn là khu đất hoang và được đưa vào diện thu hồi. Trong khi đó, ITA của bà Yến đòi bồi thường số tiền đã đầu tư ban đầu và cáo buộc dự án không được triển khai do bị đưa ra khỏi quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Không chỉ bà Đặng Thị Hoàng Yến, ông Đặng Thành Tâm cũng gặp rất nhiều rắc rối trong hơn nửa thập kỷ qua. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, một vấn đề được đề cập tới là mối quan hệ giữa NHTMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức với một dẫn chứng tiêu biểu là trường hợp của ông Đặng Thành Tâm.

Ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2007 và là chủ tịch hoặc/và cổ đông lớn tại nhiều tập đoàn như: Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Saigontel, ITA, Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), Navibank, Western Bank...

Ông Đặng Thành Tâm từng phải xin nghỉ họp  quốc hội với lý do sức khỏe không tốt và ước được “trở về ngày xưa”, xin “hai chữ bình yên” và sau đó đã thoái vốn khỏi Navibank (sau đổi thành Ngân hàng Quốc Dân), Western Bank (sau sáp nhập PVFC thành Pvcombank). 

{keywords}
Bà Đặng Thị Hoàng Yến vắng mặt trong 5 đại hội cổ đông Ita gần đây.

Ông Tâm từng có giấc mộng xây dựng tòa tháp bông lúa 100 tầng Diamond Rice Flower (tên cũ là Lotus Hotel) trên mảnh đất vàng Hà Nội. Nhưng cơ hội này đã vụt qua, mảnh đất đã về tay đơn vị khác.

Ông Đặng Thành Tâm hiện là Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - Kinh Bắc City (KBC) và Saigontel (SGT). Cả 2 doanh nghiệp này đều kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý 1 vừa qua.

Kinh Bắc (KBC) của ông Tâm vừa thông qua phương án phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp hoặc thực hiện chương trình dự án đầu tư. 

{keywords}
Ông Đặng Thành Tâm bán dự án tòa tháp cao nhất Việt Nam cho ông Phạm Nhật Vượng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn ảm đạm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắc đã giúp VN-Index tăng nhẹ. Một số mã tăng điểm nổi bật như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, MBBank…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán SHS, thị trường vẫn đang trong giai đoạn ảm đạm với dòng tiền yếu và những nhịp tăng nếu có vẫn chỉ là hồi phục kỹ thuật; tuy nhiên, khả năng giảm mạnh cũng là không lớn.

Dự báo, trong tuần giao dịch mới (17/6-21/6), VN-Index có thể sẽ tiếp tục trạng thái sideway down với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 940 điểm tương ứng với vùng đáy trước đó. Nhà đầu tư vẫn có thể duy trì danh mục cổ phiếu ở mức vừa phải trong giai đoạn này và đứng ngoài quan sát diễn biến của thị trường.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/6, VN-Index tăng 3,53 điểm lên 953,61 điểm; HNX-Index giảm 0,03% xuống 103,46 điểm và Upcom-Index tăng 0,08% lên 55,04 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 3,8 ngàn tỷ đồng.

V. Minh