- Ngày 9/11, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM công bố phẫu thuật cứu sống bệnh nhi bị dị dạng tĩnh mạch vùng chậu xâm lấn bàng quang gây tiểu máu ồ ạt.
Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, ca bệnh này không chỉ lần đầu tiên được ghi nhận tại bệnh viện mình mà ngay cả y văn thế giới cũng…chưa từng thấy.
Đây là ca đầu tiên bị dị dạng mạch máu xâm lấn bàng quang được ghi nhận ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thanh Huyền. |
Bệnh nhi là bé N. T. V., sinh năm 2008, tạm trú tại Quận Gò Vấp, nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 21/10 trong tình trạng tiểu ra máu xối xả.
Theo anh Nguyễn Tri B., ba của bé V., trước nhập viện 4 ngày con mình đã đi tiểu ra máu tươi, kèm cả cục máu đông. Ngoài ra bé còn đi tiểu nhiều lần (10 lần/ngày), mỗi lần đều tiểu gắt, rất đau đớn.
Bé V. đã được phẫu thuật cứu sống ngoạn mục. Ảnh: Thanh Huyền. |
Thấy tình hình bệnh nhi nghiêm trọng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hội chẩn khẩn liên chuyên khoa, quyết cứu cháu bé.
Sau khi siêu âm, chụp mạch máu và làm các xét nghiệm với sự tham gia của các chuyên gia về nội tiết, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch…các bác sĩ đã đi tới kết luận bé V. bị Hội chứng Klippel Trenaunay (loại dị dạng tĩnh mạch, mạch huyết vô cùng hiếm gặp).
Đặc biệt, trên y văn thế giới chỉ ghi nhận trẻ mắc các hội chứng này bị triệu chứng dị dạng mạch máu chủ yếu ở hai chân, cùng lắm là đại trực tràng, chưa bao giờ thấy xâm lấn tận vào bàng quang như ca này.
Áp dụng tất cả các phương pháp nhưng vẫn không cầm được máu, Ths – bác sĩ Đào Trung Hiếu – PGĐ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có quyết định hết sức táo bạo: Phẫu thuật cắt một phần đáy bàng quang chứa búi mạch máu dị dạng rồi khâu lại.
Ca phẫu thuật đã diễn ra trong vòng 3 tiếng đồng hồ do chính bác sĩ Hiếu thao tác và thành công ngoài dự tính.
Trước đó bệnh nhi đã từng phẫu thuật rất nhiều lần dị dạng mạch máu ở hai chân. Ảnh: Thanh Huyền. |
Bản thân bác sĩ Loan đã nín thở dõi theo bé V., bác sĩ Loan nói: “Không phải tự dưng tôi gọi anh Hiếu là bác sĩ có đôi bàn tay vàng đâu. Tình trạng mạch máu xâm lấn vào bàng quang bệnh nhi vô cùng phức tạp. Máu thấm vào bàng quang bé qua một mảng mao mạch, tốc độ thấm rất nhanh. Anh Hiếu đã làm được 2 việc, lấy gọn ghẽ búi mạch, cầm máu ngay trên bàn mổ cứu mạng sống bệnh nhi. Kỳ diệu nhất, sau khi mổ chức năng đi tiểu của cháu bé không hề bị ảnh hưởng”.
Thông thường, với những tổn thương ở bàng quang, không xử lý khéo rất dễ để lại di chứng són tiểu, tiểu dầm, thậm chí phải cắt bỏ luôn bàng quang.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết, trường hợp của bé V. là dị dạng mạch máu hỗn hợp. Bé bị dị dạng mạch máu bẩm sinh, trước đây đã từng bị chảy máu ở hai chân nhiều lần và trải qua rất nhiều ca mổ ở các cơ sở y tế khác.
Đối với trường hợp này, cần phải điều trị lâu dài để hạn chế bệnh phát triển, tái phát. Dù đã được phẫu thuật thành công nhưng bệnh nhi vẫn cần băng ép chân, dùng thuốc chống kết tụ tiểu cầu và chích xơ.
Thanh Huyền