BV Nhi đồng Thành phố vừa cho biết đã lấy dị vậy thành công cho 1 bé gái 3 tuổi (ngụ Long An). Được biết, tại thời điểm khám, bác sĩ tiến hành chụp Xquang phổi thẳng, dù không phát hiện dị vật nhưng có dấu hiệu ứ khí khu trú phổi trái. Do đó, bác sĩ thuyết phục gia đình cho bé nội soi đường thở kiểm tra dị vật.

Ngay sau đó, ê kíp bác sĩ Khoa Hô Hấp thực hiện gây mê, nội soi đường thở cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy có hạt đậu phộng nằm gần bít lòng phế quản thùy dưới phổi trái kích thước 5mm và lấy dị vật ra. Hiện ,sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, phổi bớt ứ khí và đáp ứng kháng sinh điều trị.

{keywords}

Hạt đậu phộng mắc kẹt suốt 2 tháng trong phế quản bệnh nhi. Ảnh: BSCC

 

Trước đó 2 tháng, bé đang ăn đậu phộng thì bị sặc, nôn ra được một ít nên cha mẹ nghĩ con không còn bị hóc. Suốt 2 tháng sau, bé bị ho khò khè, thở khó, gia đình đưa đi khám nhiều nơi với kết quả viêm phổi, điều trị bằng kháng sinh. Điều trị mãi mà tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm, thậm chí lại còn nặng hơn, gia đình mới đưa bé đến BV Nhi đồng Thành phố thăm khám.

Theo thông tin của BV Nhi đồng Thành phố, trẻ bị mắc dị vật đường thở thường bị hiểu nhầm thành viêm phổi, hen suyễn dẫn đến điều trị bằng kháng sinh kéo dài. Việc điều trị sai cách có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như tạo áp xe mủ trong phổi, hoại tử, tràn khí màng phổi.

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên, Trường Khoa Hô hấp khuyên khuyến cáo phụ huynh cần luôn chú ý đến các con, tránh cho các bé ăn các loại dễ gây hóc như các loại hạt (đậu phộng, hạt me, mãng cầu,…), thạch dừa, rau câu, trân châu,… Đặc biệt, cha mẹ tuyệt đối không được bóp mũi con để nhét đồ ăn vào miệng mỗi khi trẻ khóc, biếng ăn.

Khi nhận thấy trẻ đang chơi hay ăn mà đột nhiên bị ho, sặc sụa, tím tái, khó thở,… phụ huynh cần bình tĩnh, không gây ra hốt hoảng, sợ hãi cho trẻ. Đồng thời, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đi khám chuyên khoa khi để có hướng xử trí kịp thời.

Phan Nhơn