{keywords}

Những chuyện xảy ra ở chùa Ba Vàng thời gian gần đây không chỉ khiến công chúng xôn xao, mà còn khiến những phật tử chân chính không khỏi đau lòng, chua xót.

Vụ bê bối ở chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) khởi nguồn từ một phóng sự điều tra của báo Lao Động đăng tải ngày 20/3.

Trong phóng sự, một hoạt động có tên “thỉnh vong giải oán” của nhà chùa đã bị vạch trần.

Những người phục vụ trong ‘đường dây thỉnh vong giải oán’ ở đây cho rằng, mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều do oán hồn từ kiếp trước gây ra. Người ở kiếp này muốn thoát nạn thì phải ‘trả nợ’ theo lời vong yêu cầu. Hình thức ‘trả nợ’ là bằng tiền mặt thông qua việc công đức vào nhà chùa. Có người bị ‘đòi nợ’ 5-7 triệu nhưng cũng có người bị 'đòi' vài chục triệu đồng.

Với những người khó khăn về tài chính, nhà chùa sẵn sàng nhận trả góp hoặc quy đổi ra số ngày làm công quả. Nhưng với một số người đã 'thỉnh vong' mà không ‘giải oán’, họ bị dọa là sẽ bị điên và những vận hạn khác trong tương lai.

Người tìm đến chùa Ba Vàng để ‘thỉnh vong, giải oán’ hầu hết là những người mắc bệnh hiểm nghèo, gặp những điều kém may mắn trong cuộc sống nên không ít người trong số đó đã xuôi lòng rút tiền với hi vọng hoá giải mọi bệnh tật và vận đen qua đi.

{keywords}
 

Chùa Ba Vàng nằm trên lưng chừng núi Thành Đằng, ở độ cao 340m thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa được xây dựng năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông - tức năm 1706, cách đây hơn 300 năm. Căn cứ vào những dấu tích di vật khảo cổ còn lưu lại thì có thể ngôi chùa còn được xây dựng sớm hơn, tức là vào thời Trần.

Do thời gian, cùng sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, chùa đã trở thành phế tích. Năm 1988 chùa được trùng tu tôn tạo lại bằng gỗ và đến năm 1993 thì xây dựng lại.

Năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh về làm trụ trì chùa Ba Vàng. 

Tháng 1/2011, để đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, phật tử và hoằng dương Phật pháp, ngôi chùa một lần nữa được khởi công xây dựng với quy mô to lớn khang trang.

Sau hơn 3 năm xây dựng, ngày 9/3/2014 chùa Ba Vàng tổ chức Lễ khánh thành và nhận bằng kỷ lục "Ngôi chùa trên núi có Chính Điện lớn nhất Đông Dương".

Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng được đánh giá là người có công lớn trong việc huy động nguồn lực xã hội hoá để xây dựng cơ ngơi chùa to đẹp như hiện nay. Ước tính, với quy mô hiện tại, nhà chùa đã phải tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng vào việc trùng tu, xây dựng.

{keywords}
 

Với vị trí Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại đức Thái Minh làm rất tốt công tác truyền thông cho chùa Ba Vàng. 

Ngôi chùa có đầy đủ các kênh tuyên truyền hiện đại ngoài những tài liệu, sách vở, phim ảnh được trình chiếu trong chùa. Website, Facebook, Zalo, Instagram, YouTube… đều được nhà chùa khai thác tối đa để đăng tải những bài giảng.

Sau những phản ánh của báo Lao Động thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều người dễ dàng tìm ra những clip rao giảng của Đại đức Thái Minh - trụ trì chùa và người phụ nữ tên Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) trên các trang Facebook và YouTube của nhà chùa.

Trong những clip này, bà Yến đã đưa ra nhiều thông tin phản khoa học, trái giáo lý nhà Phật.

{keywords}
 

Khi nói về người đồng tính, bà Phạm Thị Yến cho rằng nguyên nhân là do kiếp trước những người này làm nghề thiến hoạn. Bà thậm chí còn nhắc đến vụ án 'Nữ sinh bị cưỡng hiếp và giết chết khi giao gà ở Điện Biên' mới đây là do các ác nghiệp trong tiền kiếp, cộng với hành động sát sinh (giết gà) ở hiện tại dẫn đến thảm kịch của cô gái.

Trong một buổi thuyết giảng của mình, khi được hỏi về lý do mắc bệnh sùi mào gà, người phụ nữ này cũng có những chia sẻ bất ngờ về nguyên nhân gây bệnh và cách chữa.

Bà nói rằng, nguyên nhân khiến chàng trai mắc bệnh tình dục là do đang phải chịu quả báo tà dâm từ kiếp trước. 

{keywords}
 

Bà Yến lý giải những người phạm vào luân thường đạo lý như loạn luân, tà dâm ở nơi linh thiêng như chùa chiền sẽ bị mắc những căn bệnh vùng kín khó chữa. Còn với những hành động ‘tà dâm bình thường’ như: cặp bồ, ngoại tình… thì chỉ bị nghiệp báo là ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình hoặc tình duyên lận đận.

Trong một clip khác, Đại đức Thái Minh khẳng định: 'Phật dạy chúng ta biết bố thí và cúng dường. Mình cúng để giải bệnh, giải nghiệp của mình mà mình lại còn kêu sao? Phật dạy các phật tử mất tiền đấy! Phải mất tiền mới có phúc. Phật dạy bố thí đứng đầu trong lục độ. Chịu khó bố thí đi!...'.

{keywords}
 

Một ngày sau khi những hoạt động ‘thỉnh vong, giải oán’ của chùa Ba Vàng được đăng tải trên báo Lao Động làm xôn xao dư luận, tối 21/3, Đại đức Thái Minh đã có buổi nói chuyện “livestream” dài 2 tiếng đồng hồ trên các trang mạng xã hội của nhà chùa và trước hàng trăm phật tử.

Đại đức Thái Minh cho rằng, Ba Vàng là ngôi chùa lớn, có tiếng trong cả nước, vì thế 'không ít đối tượng ganh ghét, đố kị, rồi tà đạo, ngoại đạo cũng muốn bôi nhọ, ác hại'.

Tại buổi live stream này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đưa ra 3 vấn đề: Câu chuyện thế giới tâm linh có thật không? Vong linh có tác động gì đến con người không và pháp hội thỉnh giải oán kiếp, oan gia trái chủ của chùa Ba Vàng như thế nào?

'Vong linh đi theo báo oán, báo thù rất nhiều, tác động vào chúng ta. Chùa ta có pháp thỉnh oan gia trái chủ để giải những oán kết này. Việc thỉnh giải oan gia trái chủ chỉ có đức của Phật từ bi mới làm được. Chùa chúng ta thỉnh được vong, giải được oán kiếp là do năng lực của đại chúng", đại đức Thích Trúc Thái Minh giải thích.

Người đứng đầu chùa Ba Vàng vẫn khẳng định oan gia trái chủ hoàn toàn có thật và chùa Ba Vàng có lễ giải oán kết, giải oan gia trái chủ. Tiếp sau đó, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã mời rất nhiều phật tử ở các đạo tràng khác nhau lên để chia sẻ câu chuyện liên quan tới oan gia trái chủ của mình.

{keywords}
 

Một trong những nhân vật gây chú ý xuất hiện trong buổi pháp thoại tối ngày 21/3 của trụ trì chùa Ba Vàng là chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương, 46 tuổi, một nữ giám đốc doanh nghiệp tại Hà Nội.

Chị đã chia sẻ câu chuyện hồi sinh kỳ lạ sau khi ‘thỉnh vong’ ở chùa Ba Vàng. Tuy nhiên, câu chuyện mà chị chia sẻ trong buổi nói chuyện chưa đầy đủ sự thật vì một số lý do.

Chị Phương kể, trong suốt 6 năm, chị bị hành hạ bởi căn bệnh tắc và dính ruột. Chị trải qua hàng chục lần nhập viện, những đợt điều trị đau đớn và ám ảnh. Thậm chí, chị còn sang cả Singapore để chữa trị nhưng không mang lại kết quả.

Đến tháng 10/2018, chị lại lên cơn đau dữ dội và được chỉ định mổ cấp cứu.

Sau 3 ca phẫu thuật liên tục chết đi sống lại, chị được chuyển sang bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ tiên lượng tình trạng của chị khó qua khỏi, nguy cơ tử vong ngay trên đường chuyển viện. Gia đình chị đã được gọi vào nhìn mặt lần cuối.

Sau đó, qua những ngày chiến đấu với thần chết ở bệnh viện Việt Đức, chị lại tiếp tục được chỉ định mổ cấp cứu. Không kịp đợi thuốc mê ngấm, bác sĩ phải trói chân tay chị, mổ sống.

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương

Trong hành trình chạy chữa ở bệnh viện, người nhà chị cũng đi ‘vái tứ phương’ và tìm đến chùa Ba Vàng.

Chị Thuỷ - em gái chị Phương kể, ban đầu chị bị ‘vong’ nhập nhưng không nói được lời nào. Lần thứ 2, ‘vong’ nhập vào một phật tử ngồi gần đó, phán rằng cách đây nhiều kiếp, chị Phương đã làm việc xấu, trong đó có sát hại một cháu bé. Sau khi ‘thỉnh vong’, nhà chùa nói nếu tin thì chuyển nghiệp nhưng có được hay không không trả lời được, do phước thọ mỗi người.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đây. Chị Phương khẳng định, gia đình có đi chùa Ba Vàng ‘thỉnh vong’ nhưng nếu nói là chỉ nhờ ‘thỉnh vong’ mà chị khoẻ mạnh là chưa hoàn toàn đúng.

Chị nói, GS. Trịnh Hồng Sơn - Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức là một ân nhân với chị. ‘Hiện trong danh bạ, tôi vẫn lưu GS. Sơn là 'Người đã tái sinh cháu lần 2'. GS. Sơn mổ rất giỏi, rất mát tay, thuốc cũng rất tốt, y tá, điều dưỡng chăm sóc rất tận tình’.

Theo chị Phương, khi đã ở cuối con đường, gia đình nào cũng muốn bấu víu vào những tia hy vọng cuối cùng, nhưng ‘thỉnh vong’ chỉ là bước đệm. Việc chị thường xuyên đọc kinh, niệm Phật sám hối hàng ngày giúp tinh thần chị nhẹ nhõm, suy nghĩ lạc quan hơn, sống tích cực hơn. Đó có thể chính là liệu pháp tinh thần giúp chị mau hồi phục hơn bình thường.

‘Tôi cho rằng, mọi người chữa bệnh phải có Tây y, sau đó kết hợp thêm liệu pháp tinh thần thì thật tuyệt vời. Mọi người đừng nghĩ gì cao siêu, chỉ cần hiểu đạo Phật chân thật, thuần túy nhất, nhất tâm niệm Phật, suy nghĩ tích cực nhất, chứ đừng mê tín, hễ có việc là đi thỉnh, đi cầu’, chị Phương chia sẻ.

Chị cũng nói rằng, việc chị có mặt tại chùa Ba Vàng trong buổi pháp thoại ngày 21/3 chỉ với mục đích tri ân nhà chùa đã giúp chị có tâm sáng, lòng an. Tuy nhiên, đoạn cuối chị định nói thêm cảm ơn GS Trịnh Hồng Sơn đã cứu chị bằng phương pháp y học nhưng chưa kịp nói thì micro phụt tắt.

{keywords}
 

Theo tìm hiểu của PV báo VietNamNet, đã có nạn nhân bị chùa Ba Vàng đòi hàng trăm triệu đồng để ‘giải nghiệp’.

Chị Nguyễn Thị L (SN 1989, ở TP. Cẩm Phả) chia sẻ, năm 2016, chị được một người thân rủ lên chùa Ba Vàng vãn cảnh. Trong khi vãn cảnh chùa, chị được một người phụ nữ hướng dẫn ‘thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ’ để chữa chứng rét run vào sáng sớm.

Trong nhóm của chị có nhiều người thấy 'vong' phán về hoàn cảnh gia đình, quá khứ, họ liền khẳng định là đúng và rối rít quỳ gối xin 'vong' giúp.

Tuy nhiên theo chị L, trường hợp của chị những thông tin 'vong' nói ra đều không đúng. Ngoài ra, 'vong' còn phán cách đây nhiều kiếp chị sống thất đức, chuyên làm hại người, giờ bị một vong linh theo.

Chị L cũng là người biết về Phật pháp, thường xuyên đi chùa nên không tin những điều họ nói. Chị chia sẻ, trong lúc ‘thỉnh vong’ luôn có một thư ký bên cạnh, ghi lại lời 'vong' nói và số tiền người ‘thỉnh’ phải trả.

{keywords}
Chị L, người từng 'thỉnh vong' ở chùa Ba Vàng. 

Trường hợp của L., ‘vong’ cho 2 sự lựa chọn. Nếu chọn hình thức ‘Nương tựa’ (thường xuyên đến chùa Ba Vàng) thì phải trả 32 triệu đồng. Nếu chọn hình thức ‘Không nương tựa’ (ít lên chùa Ba Vàng), chị phải đóng 700 triệu đồng để cúng 'oan gia trái chủ'.

Khi người phụ nữ này nói không có tiền, người nhà chùa tư vấn, L. có thể lựa chọn hình thức trả góp hoặc vào chùa làm công quả 1 năm. Thấy hành vi trên có tính chất trục lợi nhằm thu tiền, người phụ nữ ở TP. Cẩm Phả đã khước từ.

Tuy nhiên, phía nhà chùa đã dọa thông qua giấy tờ nếu L  không chịu ‘tu tập, nương tựa’ sẽ bị điên.

Thời điểm đó, chị L chưa lập gia đình. Tuy nhiên 3 năm sau, tức ở thời điểm hiện tại, cuộc sống của chị L hoàn toàn bình thường, hạnh phúc. Chị lập gia đình vào năm 2018, hai vợ chồng đã có một cô con gái. 

{keywords}

 

{keywords}

 

Trả lời báo chí về việc ‘thỉnh vong’, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Không có việc 'thỉnh vong' để hóa giải nghiệp, oan gia. Bởi cái nghiệp của mình phải tự mình làm việc tốt để hóa giải nghiệp cho mình. Việc 'thỉnh vong' là hoàn toàn không đúng. Dẫn dắt con người đi theo con đường đó là không đúng theo chính pháp. Đây là dẫn dắt con người ta vào con đường tà kiến, mê lợi.

Thượng toạ Thích Đức Thiện cũng cho rằng, theo như thông tin trong các clip mà chùa Ba Vàng đăng tải trên mạng xã hội thì có nhiều vấn đề chưa đúng với giáo lý nhà Phật. Ví dụ như câu chuyện đem hình ảnh nữ sinh bị giết hại ở Điện Biên để giải nghĩa cho việc 'oan gia, trái chủ' hoàn toàn không đúng với giáo lý nhà Phật, chủ trương của Giáo hội PGVN và không đúng với đạo đức xã hội.

{keywords}
 

Trao đổi với VietNamNet, Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Phó Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết, rất nhiều lần, Ban Trị sự tỉnh góp ý, nhắc nhở về những vấn đề của chùa Ba Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh tiếp thu nhưng sau không thay đổi.

Ông cũng cho hay, 40 tăng ni ở chùa Ba Vàng từng bỏ đi vì không chịu được quy định mới tại chùa như: Mỗi ngày ăn một bữa; Nửa tháng tắm một lần; Mặc y pháp thường xuyên 24/24 trong ngày…

"Thầy Thích Trúc Thái Minh nhiều lần bị Thượng toạ Thích Thanh Quyết  - Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh gọi lên khuyên giải, còn bắt sám hối nhưng đâu lại vào đó”.

{keywords}
 

Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng -  tên thật là Vũ Văn Hiếu, sinh năm 1967 tại Lương Tài, Bắc Ninh. Ông là Uỷ viên dự khuyết Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội). Ông cũng là Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội, Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu, Uỷ viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Khi xuất gia, thầy Thái Minh tu tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, theo pháp môn thiền của hoà thượng Thích Thanh Từ. Đến khoảng năm 2004-2005, ông được đưa ra làm tăng chúng, tu học tại chùa Lâm, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Về mặt học vấn, Đại đức Thái Minh là cựu sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Theo xác nhận từ phía trường này, ông Vũ Văn Hiếu từng là sinh viên xuất sắc và là 1 trong 2 người được giữ lại trường giảng dạy trong khoảng 2 năm.

Nhận xét về Đại đức Thái Minh, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết, đây  là ‘một người năng động, làm kinh tế tốt. Hoạt động trong Giáo hội của Đại đức Thái Minh bình thường, chưa có gì xuất sắc’.

Bà Phạm Thị Yến - 'người phụ nữ quyền lực' của chùa Ba Vàng sinh năm 1970, vốn cư trú tại P. Hồng Hải, TP. Hạ Long. Dù không nắm giữ chức vụ nào cụ thể tại chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) nhưng sức ảnh hưởng của bà Yến tới nhà chùa rất lớn. Bà thường xuyên xuất hiện tại các buổi tọa đàm và trong các tài liệu tuyên truyền của nhà chùa.

{keywords}
 

Kênh YouTube của bà Yến có gần 90.000 lượt theo dõi với hàng trăm video về tâm linh chỉ sau hơn 2 năm thành lập. Ngoài ra, trang Facebook của người này cũng đạt hơn 100.000 người theo dõi.

Theo chính quyền địa phương và thông tin từ người dân, bà Yến từng làm nghề may ở chợ Hạ Long 1. Bà kết hôn và có 2 con trai. Sau một thời gian dài ly thân, năm 2017, người phụ nữ này đã hoàn tất thủ tục ly hôn với chồng. Từ đó, bà ở hẳn trên chùa Ba Vàng.

Ông Phan Văn Đàm - chồng cũ bà Yến - chia sẻ, từ ngày ly hôn, hai vợ chồng cũng cắt đứt liên lạc. Ông Đàm cho biết, bà Yến từng tung tin khắp nơi việc mình bị bệnh nan y. Thời điểm còn chung sống, thấy bà Yến tuyên truyền chuyện hoang đường về tâm linh… ông Đàm nhiều lần khuyên nhủ nhưng bà không nghe. Cuộc sống vì thế nảy sinh nhiều vấn đề.

{keywords}
 

Trước sự việc được phản ánh, Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn số 058/CV-HĐTS gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu làm rõ.

Trong khi đó, Thượng toạ Thích Đạo Hiển cho biết ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh từng có văn bản báo cáo các cấp, các ngành và đề nghị phối hợp giải quyết các vấn đề nảy sinh tại chùa Ba Vàng từ năm 2015.

Tuy nhiên từ đó đến nay Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh không nhận được sự hồi âm và phối hợp. Thậm chí có nhiều ý kiến còn quy chụp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh mất đoàn kết nội bộ, ganh tị với chùa Ba Vàng.

Ngày 22/3, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã giao cơ quan công an vào cuộc xác minh dấu hiệu hoạt động mê tín dị đoan và một số biểu hiện vi phạm khác diễn ra tại chùa Ba Vàng.

{keywords}
 
{keywords}

Ngày 24/3, UBND TP. Uông Bí (Quảng Ninh) đã ký văn bản gửi trụ trì chùa Ba Vàng, yêu cầu chấm dứt hoạt động không có trong danh mục hoạt động tôn giáo.

Văn bản nêu, chùa Ba Vàng cơ bản đã thực hiện theo danh mục đã đăng ký, tuy nhiên vẫn còn có các hoạt động tín ngưỡng trong cơ sở tôn giáo chưa đúng với danh mục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể là hoạt động 'thỉnh vong', 'cúng oan gia trái chủ', các hoạt động giảng Pháp do phật tử Phạm Thị Yến, Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng, phật tử chùa Ba Vàng thực hiện.

Thành phố cũng đề nghị trụ trì có biện pháp chấn chỉnh việc giảng Pháp của tăng ni, phật tử chùa Ba Vàng trên các phương tiện thông tin đại chúng do nhà chùa quản lý theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các quy định của của Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định số 162 ngày 30/12/2017.

Cũng theo văn bản này, UBND TP đề nghị trụ trì chùa Ba Vàng phải giáo dục tăng ni, phật tử thực hiện nghiêm giáo lý nhà Phật và các quy định của pháp luật.

Sáng ngày 25/3, TP. Uông Bí sẽ tiếp tục làm việc với đại diện chùa Ba Vàng.

Sự việc vẫn đang được báo chí theo dõi và đưa tin.

Ảnh: TTXVN, Khám phá Việt Nam, VietNamNet

Thiết kế: Phạm Luyện

BAN ĐỜI SỐNG