Sáng nay, TS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV K cho biết, sức khoẻ bệnh nhân Nguyễn Thị Liên, 28 tuổi ở Hà Nam - bà mẹ kiên cường quyết giữ thai nhi khi mắc ung thư vú giai đoạn cuối đang tiến triển tốt lên từng ngày.
TS Liên cho biết, sau ca mổ bắt con chiều 22/5 đúng 1 ngày, sức khoẻ sản phụ Liên chuyển xấu, suy hô hấp nặng nên bác sĩ phải mở nội khí quản, chuyển vào chăm sóc tích cực.
Đặc biệt đến ngày 27 – 28/5, tình trạng bệnh nhân diễn biến hết sức nguy kịch, hôn mê, người phù nên BV K đã cùng chuyên gia của BV Bạch Mai hội chẩn, tìm các phương án điều trị tối ưu nhất. Mọi loại thuốc tốt nhất, máy móc tốt nhất được huy động.
Chị Liên đã có thể tự viết lên bảng để trò chuyên với mọi người |
Sau bao nỗ lực, từ sáng 29/5, sức khoẻ chị Liên tốt dần lên, tỉnh táo, đã tự thở cùng máy thở, các chỉ số xét nghiệm tạm thời ổn định, phổi đã có dấu hiệu tích cực. Hiện tại chị Liên chưa nói được nhưng muốn nói gì, chị có thể tự viết lên bảng.
“Câu đầu tiên chị ấy viết lên bảng là hỏi: “Chồng em đang ở đâu?”. Khi gặp chồng, chị lại hỏi con thế nào?”, TS Đức chia sẻ.
Theo TS Đức, với tình trạng hiện nay của bệnh nhân, các bác sĩ đang tiếp tục nỗ lực hết sức, kỳ vọng tuần tới có thể rút được máy thở hoàn toàn, để bệnh nhân tự thở, khi đó 2 BV sẽ sắp xếp cho 2 mẹ con gặp nhau.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng CTXH, BV K cho biết thêm, suốt gần 10 ngày qua, giữa 2 BV thường xuyên liên lạc với nhau hàng giờ. Cả 2 BV đã bàn rất nhiều phương án, trong đó tính đến trường hợp mẹ không sang được thì đưa con sang BV K, tuy nhiên sau khi cân nhắc kĩ, việc này là không thể, bé Bình An hiện mới được hơn 32 tuần, cần điều trị đặc biệt thêm ít nhất 3-4 tuần nữa mới có thể ra khỏi lồng kính.
Lần nào gặp vợ, anh Hùng cũng rơm rớm nước mắt |
Để tiếp thêm nghị lực cho chị Liên, hàng ngày các bác sĩ BV Phụ sản TƯ đều quay lại hình ảnh bé Bình An gửi sang BV K để chị Liên có thể ngắm con từ xa.
Kể từ khi con chào đời, anh Đỗ Văn Hùng thường xuyên di chuyển như con thoi từ BV K lên Phụ sản TƯ để thăm con rồi lại chạy về chăm vợ. Lần nào gặp vợ, anh Hùng cũng rơm rớm nước mắt. Nhìn vợ gắng gượng chiến đấu với bệnh tật, anh thương đến nhói lòng.
Mỗi khi gặp vợ, anh luôn nói với vợ: “Con vẫn khoẻ và tốt dần lên. Em cố gắng lên nhé!”. Nghe thế, chị Liên chỉ gật đầu.
“Tôi chỉ mong có phép màu nào đó để vợ anh sớm bình phục, để Liên được con gặp và gia đình 1 lần đoàn tụ”, anh Hùng xúc động nói.
Đến sáng nay, bé Bình An đã ăn được 20ml sữa/bữa, ngày ăn 8 bữa. Bé cũng bắt đầu cai được oxy. Các chỉ số tiến triển tốt, tình trạng phù đã hết.
Hình ảnh bé Bình An vào sáng nay, được các BS BV Phụ sản TƯ chuyển sang |
Tại thời điểm chào đời chiều 20/5, bé Bình An có tình trạng phù, suy hô hấp, không tự thở được, bác sĩ phải mở nội khí quản, dùng bơm hỗ tợ giãn nở phổi và nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
Bé sinh mổ khi mới 31 tuần tuổi nhưng sức sống vô cùng mãnh liệt. Vừa chui ra khỏi bụng mẹ, đôi bàn tay bé nhỏ của bé nắm chặt lấy tay bác sĩ như để níu giữ thật chặt cuộc sống này. Hình ảnh ấy như chính sự kiên cường của mẹ bé đã chiến đấu với bệnh tật để giữ con và giờ đang giành giật với cuộc sống từng giờ để tiếp để được gặp con.
Hình ảnh bé Bình An nắm chặt tay bác sĩ khi vừa sinh ra |
Chị Nguyễn Thị Liên phát hiện mắc ung thư vú giai đoạn cuối khi đang mang thai con thứ 2 được gần 4 tháng. Dù được các bác sĩ khuyên nếu để cố giữ thai sẽ nguy hiểm cả mẹ lẫn con, song chị đã quyết định giữ lại thai, chờ ngày con ra đời.
2 tháng gần đây chỉ phải ngồi suốt 24/24, sức khoẻ suy kiệt, cân nặng từ hơn 60 cân xuống còn hơn 40 cân. Đặc biệt, 2 tuần trước khi mổ bắt con, chị nôn suốt, ăn gì nôn đó nên chồng chị phải đặt thêm chiếc chậu nhỏ trên mặt bàn.
Ngày 22/5, khi thấy sức khoẻ chị Liên ngày càng yếu đi, nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn con, các bác sĩ BV K đã phối hợp với BV Phụ sản TƯ mổ bắt con trong tư thế ngồi, khi thai được 31 tuần. Bé trai chào đời với cân nặng 1,5kg, được mẹ đặt tên là Bình An, gửi gắm cả cuộc đời sẽ may mắn như tên con.
Thúy Hạnh
Hành trình ngủ ngồi, ôm chậu chờ sinh của bà mẹ trẻ mắc ung thư giai đoạn cuối
- 2 tháng ròng, chị Liên khó thở, phải ngồi 24/24h, chị ăn gì cũng nôn nên vừa ngồi, vừa ôm khư khư chiếc chậu.