GS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện ghép tế bào gốc để cứu bé trai bị bại não do hóc thạch khi uống trà sữa.

Bệnh nhi là Nguyễn Tiến Q., 21 tháng tuổi ở Quảng Nam. Cách đây 7 tháng, sau khi có tiền lương làm công nhân xây dựng cuối tháng, bố bé đã đưa vợ con lên thành phố chơi, chiêu đãi vợ một cốc trà sữa.

Khi con trai đòi, anh cho bé uống thử, không may hút phải thạch gây tắc đường thở. Do không biết sơ cứu, cháu bé đã bị ngưng thở sau đó ít phút. Dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng đã quá muộn, cháu bé bị bại não, phải sống thực vật, chân tay không thể cử động, các cơ gồng cứng.

{keywords}

Bé trai không may bị hóc thạch trong trà sữa gây ngạt thở, bại não

 

Suốt 7 tháng qua, bé chỉ nằm một chỗ, ăn uống đều qua sonde, hình ảnh MRI cho thấy não bị teo rất nặng. Bố mẹ bé đã đưa con chạy chữa khắp nơi, từ miền Trung vào Long An, TP.HCM để chữa bệnh.

Sau đó nhờ có nhiều người giúp đỡ, gia đình bé kết nối được với GS Liêm nhờ can thiệp. Dù còn rất ít hy vọng nhưng bố mẹ bé vẫn mong muốn được ghép tế bào gốc để cứu con.

Ngày 26/5, gia đình bé Q. ra đến Hà Nội. Ngày 30/5, bé được cấy tế bào gốc lần đầu, dự tính sẽ phải thêm lần nữa và cần 3 tháng nữa mới có thể đánh giá được tình hình.

Được biết, hoàn cảnh gia đình bé rất khó khăn, cụ nội bé 84 tuổi bị thương tật, mất một tay, bà nội bé bị tai nạn giao thông không thể lao động, bố bé không có nghề nghiệp ổn định, làm thuê đủ nghề để kiếm sống.

Trên thực tế, những ca bệnh bị hóc dị vật gây ngạt đường thở ở trẻ em không phải hiếm. Tuy nhiên rất ít các bậc phụ huynh có kỹ năng sơ cứu.

BS Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc, BV Nhi TƯ cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca hóc dị vật, thường là hạt hoa quả như nhãn, chôm chôm, hạt ngô, hạt lạc, đậu, cơm, cháo đến chìa khoá, đồ chơi...

Điều đáng tiếc, hầu hết trẻ được chuyển đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, não tổn thương không hồi phục do thiếu oxy, nhiều trẻ tử vong. Nguyên do khi trẻ hóc dị vật, không được sơ cấp cứu kịp thời khiến dị vật chèn vào đường thở, gây ngừng thở, ngừng tim.

“Chỉ cần 3 phút không có oxy lên não đã gây tổn thương, 4 phút là não tổn thương không hồi phục. Nên nếu cứ đợi khi chuyển đến tuyến cuối cấp cứu thì đã quá muộn, dù có được cứu sống trẻ cũng có nguy cơ cao mắc di chứng suốt đời”, BS Toàn cảnh báo.

Do đó, khi trẻ hóc dị vật, cần cấp cứu cho con trong khoảng thời gian trước 4 phút.

Nếu trẻ tỉnh táo, ho được, cần khuyến khích trẻ ho ra dị vật, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu bệnh nhân tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực. Trường hợp trẻ còn bé, đặt trẻ lên cánh tay, hoặc úp xuống đùi, cho đầu chúi xuống sau đó vỗ lưng 5 lần xem dị vật có ra không, nếu không được thì lật ngược bệnh nhân lại rồi ấn tại vị trí ép tim để đẩy dị vật ra. Trẻ lớn hơn có thể đặt lên ghế và làm tương tự.

Trường hợp không ho được hoặc ho không hiệu quả, kiểm tra xem trẻ còn thở không, nếu không cần ép tim cấp cứu, mở thông đường thở, hà hơi thổi ngạt 5 lần.

Sau đó cần gọi thêm 1 người hỗ trợ, 1 người hà hơi thổi ngạt, 1 người ép tim. Vị trí ép tim nằm 1/2 dưới xương ức.

Khi ép, đặt thẳng tay lên ngực, tỉ lệ 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Sau 1 phút đánh giá lại xem thở hay chưa và xem đã có mạch hay chưa. Người lớn bắt mạch cảnh, trẻ con bắt ở cánh tay, mạch quay, mạch bẹn vì cổ trẻ ngắn hơn. Sau 10 giây kiểm tra, nếu vẫn không thấy mạch thì tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực.

Trong lúc ép tim, cần duy trì nhịp 100 lần/phút, cố gắng ép sâu và mạnh, độ lún bằng khoảng 1/3 bề dày lồng ngực. Khi trẻ có nhịp thở trở lại, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Thúy Hạnh

Hóc nhãn, bé trai 2 tuổi sống thực vật do cha mẹ không biết sơ cứu

Hóc nhãn, bé trai 2 tuổi sống thực vật do cha mẹ không biết sơ cứu

 Khi chuyển đến BV, bé trai đã có biểu hiện ngừng tim, tổn thương não không hồi phục và hiện đang phải sống thực vật.