Bệnh nhi Đặng B.A., 21 tháng tuổi, ở Hà Nội được chuyển đến BV Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng môi sưng, miệng nhiều vết trợt loét, nôn nhiều.
Gia đình cho biết, trong lúc chơi đùa, bé A. không may cho vào miệng chiếc chén trước đó từng dùng đựng thuốc tẩy rửa bồn cầu nhưng chưa kịp rửa sạch.
Tại khoa Cấp cứu chống độc, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu ban đầu, đánh giá trẻ không có dấu hiệu suy hô hấp, suy tuần hoàn và may mắn không thủng nội tạng.
Bé trai trợt loét toàn bộ miệng vào đến thực quản, dạ dày
Trẻ được lên kế hoạch nội soi tai mũi họng và nội soi đường tiêu hóa trên trong vòng 24 giờ sau cấp cứu.
Kết quả cho thấy bé A. bị tổn thương vùng miệng và hạ họng thanh môn phù nề xung huyết; loét thực quản-loét dạ dày độ 2b-3a. Cháu bé được chuyển lên theo dõi tại khoa Tiêu hóa.
BS Đặng Thúy Hà, Phó trưởng khoa Tiêu cho biết, trẻ được dùng kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton, bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch và dùng thuốc ức chế miễn dịch, giảm viêm.
Tuy nhiên đến hiện tại vẫn chưa thể đánh giá được mức độ tổn thương hệ thống tiêu hoá. Dự kiến, bệnh sẽ được nội soi lại sau 4 tuần, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định kế hoạch điều trị tiếp theo.
BS Hà cho biết, khi không may nuốt phải axit, mức độ tổn thương sẽ phụ thuộc vào số lượng, độ pH, dạng vật lý (rắn/lỏng) của chất ăn mòn và thời gian tiếp xúc với niêm mạc.
Do đó khi phát hiện con trẻ nuốt phải hóa chất có tính ăn mòn, việc đầu tiên là cần sơ cứu càng sớm càng tốt để tránh tổn thương sâu.
Các bác sĩ khuyến cáo cần rửa, súc họng, miệng bằng nước muối loãng ấm hay dung dịch trung hòa như dung dịch Bicarbonat Na. Sau đó cho trẻ uống giảm đau và lập tức chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Đặc biệt lưu ý, người lớn cần nhanh chóng quan sát xem hoá chất trẻ uống phải là gì, có thể cầm theo mẫu đến bệnh viện để bác sĩ nhanh chóng xác định chất ăn mòn để xử trí cấp cứu.
Thúy Hạnh
Uống rượu khi đói, cô gái 27 tuổi tử vong
Uống rượu quá nhiều khi bụng đói, cô gái trẻ rơi vào tình trạng nhiễm toan ceton, tử vong ngay tại nhà.