Giấy thỏa thuận đưa trẻ đi thành phố làm việc

Thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk là nơi ở của cộng đồng người H’Mông. Đường đi vào quanh co, đất đá lởm chởm, bụi đất mù mịt.

Căn nhà tranh, tường rách tứ tung của vợ chồng bà Tống nằm bên đường. Bên trong, nồi niêu, bát đĩa, quần áo vất tứ tung. Bố đi uống rượu, mẹ bỏ đi, bé Sùng A Sính, sinh năm 2007 đi chơi game về nằm ngủ từ trưa đến chiều. Có khách vào, cậu bé ra mở cửa, mặt còn ngái ngủ.

Chị Sùng Thị Mầu - con gái lớn của bà Tống cho biết, bố mẹ chị có cả thảy 7 người con. Bé Sính là con trai thứ ba.

{keywords}
Thôn Ea Lang - nơi ở của cộng đồng người H'Mông.

Chị Mầu kể, 3 năm trước, thôn Ea Lang có đợt tuyển trẻ em đi làm nghề may, lương 5 triệu đồng/tháng ở Sài Gòn, do Đen – em trai bà Tống làm. Sau nhiều ngày đi khắp làng 'tuyển' người không được, Đen 'dụ' chị gái ký giấy thỏa thuận cho Sính đi làm nghề may ở TP.HCM.

Trước đó, con trai thứ hai của bà Tống đã được cậu đưa đi làm công nhân ở Bình Dương nên lần này, bà một lần nữa tin em trai.

‘Dụ’ được chị gái xong, Đen sang nhà ông Thào Văn Thăng ‘chiêu mộ’ bé Thào Văn Dơ, sinh năm 2007. Nghe những ‘lời đường mật’ của Đen, ông Thăng cũng đồng ý ký giấy thỏa thuận cho con đi làm nghề may ở TP.HCM.

Một tháng sau, hai cậu bé khi đó hơn 11 tuổi được người nhà chở xuống thị trấn giao cho Đen đưa đi Sài Gòn, vào làm khuân vác vải cho một xưởng may ở huyện Bình Chánh. Do không làm được việc, các em bị đánh, mắng chửi.

‘Con và Dơ rất sợ. Lựa lúc không ai để ý, tụi con bỏ trốn’, Sính nhớ lại. Vì không có tiền, hai cậu bé lang thang xin ăn trong tình trạng kiệt sức, quần áo rách rưới, chân tay lấm lem. May mắn, hai em có người phát hiện, đưa về chăm sóc.

Anh Y Bay Mlô, phụ trách văn hóa xã hội xã Cư Pui cho biết, một người đã đăng thông tin, hình ảnh bé Sính và Dơ lên Facebook nên anh đọc được. Sau khi xác nhận thông tin từ gia đình hai bé, cùng nơi tiếp nhận, anh bắt xe khách đi đón các bé về.

{keywords}
Ông Tâm cho biết, nhiều trẻ em ở địa phương phải nghỉ học sớm giúp bố mẹ trông em, làm việc nhà, đi hái củi, đào củ mì thuê....

Trở về nhà, Sính và Dơ được địa phương tạo điều kiện cho đi học tiểu học lại, nhưng các em sớm nghỉ vì không theo kịp kiến thức. 'Bố tôi suốt ngày say xỉn. Mẹ tôi chán nên bỏ nhà đi. Không ai quản lý, thằng bé suốt ngày chơi game', giọng chị Mầu rầu rĩ.

Tiếp tục đi lao động chui

Chị Sung (chị dâu Dơ) kể, sau khi Dơ từ Sài Gòn trở về, một người đàn ông lạ đến nhà thuyết phục gia đình ký giấy thỏa thuận cho em đến Bình Dương làm trong khu công nghiệp cùng với mấy người trong làng. ‘Em ấy đi làm được một năm thì về, mang theo hơn 50 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản ăn ở, đi lại’, chị Sung thông tin.

{keywords}
Con bò của bé Thào Văn Dơ dùng tiền đi làm công nhân ở Bình Dương để mua.

Số tiền 50 triệu đồng, Dơ đưa cho bố mẹ 40 triệu đồng, còn lại cậu bé mua một con bò cái về nuôi. ‘Dơ chăm con bò rất kỹ. Em tính, khi bò đẻ sẽ bán bò con lấy tiền cưới vợ’, người phụ nữ nói về em trai chồng.

Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, từ năm 2014 đến nay, địa phương liên tục có đường dây tuyển lao động chui đến ‘dụ’ trẻ em đi làm việc ở các khu công nghiệp, thành phố lớn, nhưng địa phương không thể ngăn chặn, vì họ hoạt động bí mật, hoặc liên kết với bố mẹ các bé để đạt mục đích. ‘Họ đến, tìm mọi cách để phụ huynh ký giấy thỏa thuận cho con đi lao động rồi rời đi. Sau đó, người nhà chở các bé đến thị trấn giao cho người tuyển dụng nên rất khó ngăn chặn’, ông Tâm nói. 

{keywords}
Theo ông tâm, rất nhiều trẻ em ở địa phương là nạn nhân của các đường dây tuyển lao động chui.

Lý giải về lý do này, ông Tâm cho biết, xã Cư Pui có đến 80 % là người dân tộc thiểu số. Họ có học thức thấp, kinh tế khó khăn. Mấy năm trở lại đây, nhiều gia đình trong xã có người đi làm ở các khu công nghiệp nên xây được nhà đẹp, kinh tế khá hơn. ‘Nhà này thấy nhà kia có nhà đẹp cũng muốn nhà mình được như vậy’, ông Tâm nói.

Vị chủ tịch xã Cư Pui cho biết, sau khi đưa bé Sính và bé Dơ về, địa phương đã ra quyết định xử phạt hành chính Đen vì đưa trẻ đi lao động trái phép, đồng thời, thông báo câu chuyện trên loa phát thanh xã cảnh tỉnh người dân. Song song đó, địa phương cũng liên tục tuyên truyền, phân tích về những tác hại khi cho trẻ đi lao động cho người dân biết nhưng không hiệu quả. 'Chúng tôi truyên truyền, dân họ hiểu, nhưng cái bụng đói quá thì biết làm sao', ông Tâm nói.

{keywords}
Để vào xã Cư Pui phải đi qua một con đò.

Mới đây, anh Mlô lại nhận được thông tin, có hai bé gái 16 và 13 tuổi đến TP.HCM làm việc, đi ra ngoài chơi nên bị lạc. ‘Hai bé gái đã được đưa về địa phương. Bé 13 tuổi là người ở xã, bé kia ở nơi khác’, anh Mlô nói. 

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh & Xã Hội Đắk Lắk, năm 2019, toàn tỉnh có 219 trẻ em bị các đường dây tuyển lao động chui dụ đi đến: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội… làm việc.

Ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Sở Lao động Thương binh & Xã Hội Đắk Lắk cho biết, cho biết, những kẻ tuyển lao động chui đã về các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh vào dịp sau tết Nguyên đán để ‘dụ’ trẻ đi làm việc.

'Trong 6 tháng đầu năm nay, do dịch bệnh Covid-19, tình hình này đã giảm, tuy nhiên, sẽ có những diễn biến khó lường trong thời gian tiếp theo. Hiện tỉnh đang tiến hành tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên thận trọng, đừng nên nghe theo những lời quảng cáo của người xấu', ông Tuyết nói.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, tình hình đưa trẻ đi lao động chui đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Để ngăn chặn tình trạng này, thì cần làm tốt các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần tuyên truyền dứt khoát, quyết liệt những tác hại của việc cho trẻ dưới 15 tuổi đi lao động xa, trong các khu công nghiệp, nhà máy, những nơi nguy hiểm.

Thứ hai, cần phải thuyết phục, động viên, có những chính sách, hỗ trợ cho phụ huynh, tạo điều kiện để trẻ đến trường, học nghề.

Thứ ba, ngoài xử phạt hành chính, hình sự, đường dây đưa trẻ đi lao động, cần phải rà soát, xác minh ở các cơ sở có sử dụng lao động trẻ em để có biện pháp xử lý thích đáng. 'Có làm nghiêm, xử nặng, làm dứt khoát thì mới ngăn chặn được', ông Nam nói. 

Bé gái 11 tuổi bị mẹ đưa sang Thái Lan bán cho động mại dâm

Bé gái 11 tuổi bị mẹ đưa sang Thái Lan bán cho động mại dâm

11 tuổi, bé Hạnh phải tiếp 7-10 khách và liên tục uống thuốc tránh thai khẩn cấp. May mắn, em được cứu, đưa vào nhà tạm lánh.  

Tú Anh