|
Quầy giao dịch trung tâm Bưu điện Thái Nguyên. Ảnh: THANH HẢI |
Phát huy nội lực
Bưu điện Thái Nguyên có 19 đơn vị trực thuộc với 354 CBCNV, trong đó có 261 nữ, chiếm 73,76%. Trình độ lực lượng lao động của Bưu điện tỉnh cũng không được đồng đều: trình độ trên ĐH chiếm 0,39%, trình độ ĐH đạt 12,6%, CĐ chiếm 6,23%, trung cấp chiếm 25,68%, sơ cấp 47,47% và có 8,17% số lao động chưa qua đào tạo. Những con số này cho thấy, đối với một đơn vị có lực lượng nữ giới đông đảo, trình độ lại không đồng đều (trên 50% là sơ cấp và chưa qua đào tạo) thì việc sắp xếp lao động và điều hành SXKD quả là không dễ dàng. Hiểu rõ được điểm yếu này, lãnh đạo chuyên môn Bưu điện Thái Nguyên đã phối hợp với tổ chức công đoàn vận động CBCNV phát huy sức lực và trí tuệ tìm kiếm những giải pháp nâng cao năng lực quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SXKD. Đơn vị đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, toạ đàm nhằm tranh thủ các ý kiến đóng góp của CBCNV. Từ đó, nhiều đề xuất quan trọng đã được đưa ra như đề xuất về các biện pháp nâng cao, phát triển các dịch vụ BCVT, thống nhất quy trình quản lý Bưu điện phí, về các giải pháp tổ chức bán hàng, triển khai các dịch vụ mới (bán thẻ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ Bưu chính…), về sắp xếp hành trình đường thư báo đến các xã, thu Bưu điện phí đảm bảo đạt tỉ lệ thu róc 98% trên tháng… Được phát huy tinh thần dân chủ, những người lao động còn đề xuất về các giải pháp sắp xếp, bố trí lao động sao cho hợp lý, nâng cao năng suất lao động, các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Môi trường làm việc dân chủ cũng góp phần thắt chặt đoàn kết trong đơn vị và mang đến hiệu quả SXKD: Năm 2009, Bưu điện Thái Nguyên đạt doanh thu 37,8 tỉ đồng, đạt 108% kế hoạch, tăng 121% so với năm 2008.
SXKD hiệu quả để phục vụ tốt
Hiện nay, Bưu điện Thái Nguyên có 41 bưu cục, 139 điểm BĐVHX, 65 đại lý Bưu điện. Ngoài hoạt động SXKD, mạng bưu chính đã đảm bảo tốt thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, các ngành, như phục vụ công tác phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai, phục vụ công tác quốc phòng an ninh, phục vụ các đợt tuyển sinh đại học, thi tốt nghiệp PTTH… Các tuyến đường thư cấp I liên tỉnh Hà Nội – Thái Nguyên, các chuyến thư báo đều được giao nhận đầy đủ 100%, không để xảy ra sai sót, mất mát hoặc hư hỏng. Đường thư cấp II đi các huyện thường có số lượng nhiều và khối lượng lớn đã được vận chuyển bằng ô tô, đảm bảo nhanh chóng, an toàn. Các tuyến đường thư cấp III được sắp xếp lại, phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho từng người phụ trách.
Trong bối cảnh các điểm BĐVHX ở Thái Nguyên cũng gặp nhiều khó khăn như hầu hết các địa phương khác của cả nước (nhiều điểm thu không đủ bù chi, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân có xu hướng giảm, cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị phục vụ thiếu thốn, nội dung thông tin phục vụ chưa thu hút người dân...), lãnh đạo Bưu điện Thái Nguyên đã cùng Đảng ủy, Công đoàn đơn vị bàn bạc và đưa ra các biện pháp tháo gỡ. Các giải pháp được tính toán sao cho phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền như lắp đặt Internet tại một số điểm có khả năng kinh doanh cao, mở một số dịch vụ chuyển tiền nhanh, chuyển phát nhanh, bán bảo hiểm, thu cước viễn thông... Đến nay, đã có 24 điểm BĐVHX của Thái Nguyên được nối mạng Internet. Mỗi điểm BĐVHX được trang bị 5 máy tính, 1 máy in và các trang thiết bị đi kèm... Với điều kiện hiện có và sự nhiệt tình, tận tâm phục vụ của nhân viên tại 24 điểm BĐVHX, diện mạo và phong cách cũng như tình hình SXKD tại các điểm này đã có những chuyển biến đáng kể.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 33 ra ngày 17/3/2010.