Cứ mỗi độ thu sang, cốm - thức quà quen thuộc được làm từ lúa nếp non - lại xuất hiện trên khắp ngả đường Hà Nội. Từ cốm Vòng đến cốm Mễ Trì, các “lò cốm” làm ra món quà đặc sản không thể thiếu của mùa thu miền Bắc.
Đặc biệt hơn cả phải kể đến cốm lá me làng Vòng, loại cốm tiến vua xưa ngày càng trở nên hiếm có, được nhiều người lùng mua. Khách phải đặt trước may ra mới có, bởi tại làng nghề cốm lá me lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng.
Cốm lá me làng Vòng là đặc sản tiến vua xưa, được người sành ăn săn lùng |
Chị Trần Thu Huệ, người làm cốm gia truyền lâu năm ở làng Vòng (Cầu Giấy, Hà Nội) cả tháng nay tất bật từ sáng sớm đến khuya để kịp làm những mẻ cốm đặc biệt giao cho khách. Chị cho hay, cứ vào tháng 9 khi tiết trời sang thu, khách hàng từ khắp nơi lại đặt hàng, trong đó đơn đặt cốm lá me nhà chị làm không xuể, phải gom của nhiều nhà khác mới đủ trả khách.
“Cốm lá me là những mầm nếp mỏng dính như thể lá me, bé tí bay ra trong khi sàng cốm sau đợt giã cuối. Loại cốm này mềm thơm, ngọt mát vị lúa nếp, từng hạt căng mọng đầy sữa, ngon nhất trong các loại cốm. Tuy vậy, cốm lá me bao giờ cũng ít và hiếm, tôi chỉ dành để bán cho khách quen, khách VIP ở nước ngoài đặt trước thôi”, chị Huệ nói.
Chị cũng cho hay, phải giã 10-20kg cốm thường mới cho 1kg cốm lá me nên mỗi ngày chị chỉ làm được 4-5 kg cốm lá me là nhiều. Cốm sau khi sàng xong sẽ được đóng túi hút chân không rồi chuyển cho khách luôn. Có đợt khách đặt 30-50 kg cốm lá me, chị phải gom của nhiều nhà mới kịp đủ đơn giao cho khách.
Cốm lá me có hương vị thơm ngon, ngọt bùi, căng mọng sữa, ngày càng trở nên hiếm có |
Do đây là cốm loại 1, ngon nhất trong các loại cốm lại hiếm nữa nên giá thành tương đối cao, khoảng 300.000 đồng/kg. Người Hà Nội sành ăn hay Việt kiều nước ngoài thường đặt mua loại này, có khi phải đặt trước 2-3 tháng mới có. Cốm thường được chị gói trong lá sen thơm mát, hoặc nếu chuyển đi xa sẽ đóng túi hút chân không để được 2-3 ngày, bảo quản tủ đá sẽ để được quanh năm, chị Huệ cho hay.
Tương tự, chị Bùi Thị Xuân, một gia đình đã có 3 đời chuyên làm cốm ở làng Vòng, nói rằng cốm Vòng được chia thành nhiều loại như: cốm lá me, cốm rót, cốm mộc và cốm non thông thường.
Cốm lá me hay còn gọi là cốm đầu nia, là những mầm nếp mỏng dính như lá me, bé tí bay ra khi đang sàng cốm sau đợt giã cuối.
“Đang vào vụ lúa mùa, mùa mưa nên cốm sẽ ngon hơn, dẻo và ngọt bùi hơn nên người sành ăn thường chọn thời điểm này để mua ăn hoặc mang đi biếu”, chị Xuân nói . Nhiều Việt kiều xa quê thèm đặc sản quê hương cứ đến mùa là đặt mua cả triệu tiền cốm gửi sang nước ngoài. Loại cốm này hút chân không để được khoảng 2 ngày, bảo quản ngăn đá tủ lạnh có thể ăn quanh năm không lo hỏng.
1 kg cốm lá me giá khoảng 300.000 đồng |
Ở làng Vòng hay làng Mễ Trì đang bước vào mùa cốm lớn nhất trong năm. Tùy từng loại, cốm có giá khác nhau. Đơn cử, cốm lá me có giá cao nhất, dao động 270.000-300.000 đồng/kg, các loại cốm khác khoảng 170.000-200.000 đồng/kg. Mỗi ngày, chị Xuân làm khoảng 50 kg cốm cho thu khoảng 3-4 kg cốm lá me, hàng làm ra đến đâu thường hết luôn đến đó.
Chị Lê Huyền Thương ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa nhón một chút cốm ăn thử vừa nói: “Cốm lá me ăn ngọt, bùi, thơm vị lúa nếp non, ăn với chuối tiêu trứng cuốc thì không gì bằng”.
“Năm nào tôi cũng đặt mua ngót nghét chục cân cốm lá me ở làng Vòng để biếu, gửi cho người thân ở nước ngoài và tích tủ đá ăn dần. Trước khi ăn, chỉ cần bỏ ra rã đông 15-20 phút, cốm sẽ mềm dẻo trở lại nên rất tiện vận chuyển đi xa. Việt kiều xa quê cứ độ thu sang nhâm nhi chút cốm lá me làng Vòng là vơi bớt nỗi nhớ nhà”, chị Thương cho hay.
Nhật Thanh